Dân Việt

Cấp bách chống hạn, xâm mặn

22/10/2010 14:45 GMT+7
(Dân Việt) - Vụ lúa đông xuân 2010 - 2011 ở Nam bộ và khu vực ĐBSCL tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiếu nước, xâm nhập mặn. Vì thế, việc chống hạn và xuống giống đúng thời điểm là yêu cầu quan trọng nhất.
img
Nông dân xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An gieo sạ sớm vì thiếu nước.

Thiếu nước, mặn xâm nhập

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, lượng mưa năm 2010 tại Nam bộ và Tây Nguyên chỉ đạt 60% so với năm ngoái, đã ảnh hưởng lớn đến việc tích nước của các hồ chứa. Hiện nay lũ ở ĐBSCL về chậm và mực nước thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước, nên những nguồn lợi mà nước lũ mang lại cho người dân ở đây bị hạn chế.

Sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu nước và sự gia tăng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân 2010 - 2011 và đầu vụ hè thu năm 2011. Tổng cục Thủy lợi dự báo, xâm nhập mặn sẽ diễn ra mạnh vào tháng 4, 5 và 6, ảnh hưởng đáng kể đến những trà lúa đông xuân xuống giống muộn.

Không nên xuống giống lúa sớm trong tháng 10-2010, vì thời gian này lúa thu đông vào giai đoạn chín, sẽ có lượng rầy nâu di trú rất cao. Còn xuống giống muộn trong tháng 1-2011 sẽ có nguy cơ bị hạn vào cuối vụ.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cảnh báo, lũ thấp sẽ khiến đất đai kém màu mỡ, sâu rầy phát triển và chi phí phân bón, thuốc trừ sâu cho sản xuất lúa tăng cao. Gần nửa triệu ha lúa ở ĐBSCL đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới trong vụ đông xuân 2010 - 2011 và sẽ có hơn 100 nghìn ha (tương đương 16%) diện tích vụ đông xuân của cả vùng này có nguy cơ bị nước mặn xâm nhập.

Ông Hoàng Minh Giám - Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ cho biết: Mùa mưa năm nay chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là kết thúc, trong khi nước từ thượng nguồn về thấp hơn 1m so với mức lũ trung bình hàng năm.

Chẳng hạn, vùng thượng nguồn Campuchia, lũ thấp hơn trung bình hàng năm là 3,1m; tại Tân Châu mực nước thấp hơn trung bình hàng năm 1,3m và tại Châu Đốc là 1m. Nhiều trạm quan trắc trên các tuyến sông tại hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp đều đo được mực nước thấp hơn cùng kỳ từ 0,5 - 1m, nên vụ đông xuân tới, nguồn nước chắc chắn sẽ thiếu.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Huân - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, vụ đông xuân 2010 - 2011, một số diện tích ở các tỉnh như Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có thể bị thiếu nước ở cuối vụ và lũ nhỏ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển, đồng thời hạn sẽ xuất hiện vào tháng 3, tháng 4 - 2011.

Xuống giống đúng thời điểm

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh Nam bộ phải xem việc chống hạn trong vụ đông xuân tới là nhiệm vụ trọng tâm; phải thành lập ban chỉ đạo và có phương án chống hạn, vì tình hình hạn đang ngày càng nghiêm trọng. Các tỉnh phải ban hành ngay kế hoạch sản suất vụ đông xuân, chỉ đạo nghiêm về thời vụ để né rầy và né hạn, ưu tiên giống lúa ngắn ngày (từ 90 - 95 ngày), chịu lụt, chịu hạn tốt. Nông dân nên chọn giống phù hợp với vùng sinh thái và theo khuyến cáo của các trung tâm khuyến nông.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch bệnh, Cục Trồng trọt khuyến cáo thời vụ xuống giống vụ đông xuân là một trong những yêu cầu cần được quan tâm để hạn chế sự lây lan, bùng phát dịch hại, cần đảm bảo né rầy nâu di trú từ vụ thu đông sang, tích đủ lượng nước sản xuất suốt vụ, tránh ngập úng đầu vụ và hạn, mặn cuối vụ. Các đợt xuống giống cần phải dựa trên dự báo rầy nâu di trú của cơ quan BVTV địa phương và dự báo trong toàn vùng của Trung tâm BVTV phía Nam.