Người dân Đức Thọ (Hà Tĩnh) đưa bò lên đê tránh lũ. |
Riêng Quảng Nam đã làm thủ tục công bố hết dịch, 5 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu đã qua 21 ngày và đang chuẩn bị điều kiện để công bố hết dịch.
Tuy nhiên, kèm theo mưa lũ với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tuần qua lại có thêm 2 tỉnh mới xuất hiện DTX là Sơn La và Nam Định. Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Sơn La, dịch đã xảy ra ở 5 xã trên địa bàn huyện Phù Yên với 536 con lợn mắc bệnh, 290 con bị chết.
Nguyên nhân dịch theo điều tra ban đầu là do lây lan từ đàn lợn Móng Cái thuộc dự án 30a nhập từ tỉnh Bắc Giang về các xã trên. Còn tại Nam Định, phát hiện DTX tại 1 hộ chăn nuôi lợn ở huyện Nghĩa Hưng. Theo ông Lã Viết Hiển - Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Nam Định, từ ngày 11 - 10, tại hộ ông Phạm Văn Đông, xóm 2 xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng có hiện tượng lợn ốm.
Nghi lợn bị bệnh tai xanh, Chi cục Thú y tỉnh đã lấy 7 mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Kết quả toàn bộ số mẫu xét nghiệm đều dương tính với virus tai xanh. Chi cục đã phối hợp với chính quyền xã Nghĩa Trung (nơi xảy ra dịch) hướng dẫn người dân khoanh vùng dập dịch và phòng chống dịch bệnh lây lan.
Đặc biệt là tỉnh Bắc Giang tuy không xảy ra DTX nhưng lại được cho là có mầm dịch (làm lây sang tỉnh Sơn La) nên càng phải giám sát chặt và ngăn chặn kịp thời khi dịch bệnh xảy ra. Ngoài ra, tại một số tỉnh có dịch vẫn phát sinh thêm ổ dịch mới.
Trước diễn biến dịch bệnh như trên, ông Nguyễn Thanh Sơn - Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, công tác phòng chống dịch bệnh sẽ phức tạp hơn nhiều, đặc biệt tại các tỉnh đang chịu lụt lội do mưa lũ.
Tính đến nay, 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã thiệt hại khoảng 1.200 trâu, bò; 200.000 lợn, 600.000 gia cầm. Số lượng gia súc, gia cầm còn sống thì đang đối mặt với nguy cơ thiếu thức ăn. Đặc biệt, các kho dự trữ vaccin cũng bị ngập, mất điện, dẫn tới tỉ lệ thuốc hỏng cao. Vì vậy, muốn dịch bệnh không tiếp tục lây lan, gây thiệt hại nặng hơn, cần áp dụng giải pháp tiêu huỷ, ngăn chặn ổ dịch triệt để.
Hoà Bình