Cực nhọc nhưng nhẹ lòng
Từ ngày người chồng bỏ nhà đi làm ăn xa, chị Phùng Thị Ngọc (48 tuổi, ngụ 471/24 Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình) một mình "gánh" cả hai gia đình nghèo khó.
Trần Thị Hồng Linh tại lễ tuyên dương. |
Là điều dưỡng viên, hàng ngày chị Ngọc vừa phải hoàn thành công việc ở cơ quan, vừa chăm sóc 3 người ốm, gồm mẹ chồng (87 tuổi, bị bại liệt nằm một chỗ), mẹ ruột (85 tuổi thường xuyên đau ốm) và người chị chồng ngoài 60 bị thiểu năng trí tuệ. Thêm vào đó là trách nhiệm của người mẹ đối với 4 đứa con thơ dại, trong đó có một đứa bị bệnh tự kỷ.
Không ít lần chị Ngọc gục ngã, chỉ muốn buông xuôi tất cả để đôi vai nhẹ gánh. Thế nhưng tình thương và sự thảo thơm đã khiến chị gạt nước mắt và đứng dậy, tận dụng tất cả quỹ thời gian của mình để chăm sóc gia đình, chăm sóc hết cả những người bên gia đình chồng.
Trên sân khấu buổi lễ vinh danh "Người con hiếu thảo" toàn thành phố lần thứ 7, chị Ngọc nghẹn ngào: "Đã là con thì phải hiếu thảo với cha mẹ. Dẫu khó khăn, cực nhọc nhưng như vậy mới thấy nhẹ lòng với cuộc đời".
Anh Nguyễn Thanh Tâm (28 tuổi, ngụ khu phố 2, phường Thới An, quận 12) là một tấm gương hiếu thảo khác. Ngày ngày anh chăm sóc cha mẹ nuôi như ruột thịt. Từ ngày mẹ nuôi lâm trọng bệnh, phải nằm một chỗ, anh vừa là lao động chính tạo thu nhập cho gia đình vừa thay mẹ làm nội trợ.
Những việc không tên hàng ngày như đi chợ, nấu cơm, sắc thuốc, tắm rửa cho cha mẹ dần dần chiếm hết quỹ thời gian của chàng thanh niên trẻ. Dẫu vậy, anh vẫn luôn vui cười: "Ai bảo chỉ con gái mới đảm đang, con trai cũng có thể chợ búa, cơm nước, thuốc thang, tắm rửa cho cha mẹ đấy chứ!".
Bất hạnh nhưng may mắn
Với bà Hồ Thi (63 tuổi, ngụ phường 1, quận 3) thì có được đứa con trai như Nguyễn Phước Thiện là niềm hạnh phúc cả đời, không gì sánh nổi.
Bị mù từ năm 19 tuổi nhưng Nguyễn Phước Thiện không gục ngã trước số phận, anh quyết tâm học hành, trở thành giáo viên dạy tiếng Anh. Thầy giáo Thiện ngoài làm việc nuôi mẹ già, anh còn lặn lội đến Phan Rang mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho những đứa trẻ lang thang kiếm sống.
"Tôi bất hạnh nhưng tôi cũng rất may mắn. Bất hạnh là đời đã lấy đi của tôi đôi mắt nhưng may mắn là tôi vẫn còn mẹ. Mẹ là đôi mắt, là ánh sáng của tôi. Tôi yêu mẹ!" - thầy giáo Thiện chia sẻ. Khi được hỏi, tại sao anh không lập gia đình để có thêm người chăm sóc mẹ, anh chỉ cười: "Người sáng mắt chăm sóc mẹ già đã khó, người mù như tôi chăm sóc mẹ còn khó khăn vạn lần. Nhưng tôi vẫn muốn tự mình chăm sóc mẹ".
Trong 341 tấm gương được vinh danh trong ngày hội "Người con hiếu thảo" năm 2010, có một cô sinh viên nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và đầy nghị lực. Đó là Trần Thị Hồng Linh (20 tuổi, ngụ ấp Mỹ Khánh B, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi). Cha mất sớm, ký ức tuổi thơ trong Linh là những ngày cùng mẹ đội thúng xôi ra bán ở cổng trường...
Ba năm trở lại đây, mẹ Linh lâm bệnh nặng, mỗi tuần phải chạy thận nhân tạo ba lần. Tất cả công việc trong gia đình Linh phải đảm trách. Ngày ngày, ngoài giờ lên lớp, Linh đi dạy thêm, làm hoa giấy bán lấy tiền chạy chữa cho mẹ và thuốc thang cho người bác bị bệnh tâm thần. Năm nay, em gái Linh vào đại học, Linh càng phải nỗ lực làm việc để nuôi sống gia đình và có tiền nộp học phí cho hai chị em.
"Chỉ cần nghĩ đến những đau đớn của mẹ thì cực khổ đến đâu em cũng chịu được, chỉ mong mẹ mau chóng khỏi bệnh, sống vui vẻ với gia đình!" - Linh chia sẻ.
Khải Huyền