Theo nhóm tư vấn, lý do của khuyến nghị trên là do không thể đánh giá hết được mức độ và khả năng không thể phục hồi của các nguy cơ tác động trong bối cảnh một hệ thống sông phức tạp như sông Mekong. Cần tiến hành đánh giá 3 năm một lần để đảm bảo tăng cường hiểu biết về các hệ thống tự nhiên cũng như tăng cường quá trình quản lý hệ thống sông này.
Kiến nghị được công bố vào ngày 22-10, tại bản dự thảo cuối cùng của báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) đối với những đề xuất dự án phát triển thủy điện trên dòng chảy chính sông Mekong. Bản dự thảo này được thực hiện trong vòng 14 tháng, đánh giá sâu về tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính đến tổng thể môi trường của sông Mekong (dự kiến có tới 12 dự án thủy điện trên dòng chính ở Campuchia, Lào và ở biên giới Lào-Thái Lan). Dự thảo cuối cùng được lập cách đây một tuần tại TP. Viêng Chăn (Lào).
Ông Jeremy Bird - Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC cho biết, kết quả đánh giá môi trường chiến lược sẽ hỗ trợ quá trình tham vấn bắt buộc theo Hiệp định Mekong 1995 cho từng dự án thủy điện dòng chính trước khi quyết định có triển khai các dự án này hay không, và nếu triển khai thì sẽ triển khai trong hoàn cảnh nào. Quá trình tham vấn này vừa mới bắt đầu đối với đề xuất xây dựng đập thủy điện ở Xayaburi phía bắc Lào. Đây là đề xuất đập đầu tiên trên dòng chính ở hạ lưu sông Mekong.
Báo cáo SEA là một trong những báo cáo phức tạp nhất được tiến hành cho một lưu vực sông quốc tế.
Hơn một triệu người sẽ chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các đề xuất phát triển thủy điện nếu những kế hoạch này được tiến hành.
Báo cáo chỉ ra rằng các lợi ích quốc gia từ phát triển thủy điện dòng chính cần phải tính đến việc giải quyết các tác động lên những nhóm cộng đồng bị ảnh hưởng và những nhóm dễ bị tổn thương ở lưu vực. Theo đó, số lượng ngày càng tăng các đập trên dòng nhánh trong khu vực hạ lưu sông Mekong, cũng như của một loạt các đập trên sông Lancang ở Trung Quốc sẽ đưa đến các tác động xuyên biên giới.
Hoàng Xuân