Gần 1.000 nhân khẩu của 220 hộ nông dân Krèn là đồng bào các dân tộc thiểu số gốc lâu đời của Tây Nguyên. Krèn là điểm sáng nhất của kinh tế nông nghiệp huyện Đức Trọng, là mô hình canh tác lúa chất lượng cao để các xã khác về học tập. Cuộc sống lao động bình yên của người dân tộc Krèn từ bao đời nay cộng với chính sách mới càng đảm bảo hơn. Đây là vùng “mưa thuận gió hòa”, tưởng chừng như người dân cứ thế mà... tiến lên xã hội chủ nghĩa (!).
Đùng một cái cuối năm 2007 theo quy hoạch được các cơ quan chức năng duyệt, toàn bộ thung lũng gồm rừng thông và đồng lúa sẽ được chuyển thành sân golf do Công ty Hàn Việt làm chủ đầu tư. Diện tích sân golf này rộng tới 440ha, 120ha đất nông nghiệp nằm giữa lòng sân. Các nhà đầu tư đã chọn đúng thắng địa làm sân golf. Các cơ quan của tỉnh cũng chơi đẹp với Công ty Hàn Việt, cấp cho họ “miếng thịt nạc” nhất vùng. Còn bà con dân tộc sống bao đời trên mảnh đất ông bà bỗng dưng như đàn mối vỡ tổ. Nhớ những câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm: “Những làn môi cắn chỉ quết trầu - Những mẹ già phơ phơ đầu bạc - Những em sột soạt quần nâu - Bây giờ đi đâu? Về đâu?”. Bài thơ làm đã hơn 60 năm, ở tận “bên kia sông Đuống”, nay đem vận vào thung lũng Krèn cũng thấy mủi lòng lắm!
Riêng tại TP. Đà Lạt đã có 140 dự án cho thuê gần 6.000ha rừng để đầu tư kinh doanh. Nhìn rộng ra cả tỉnh Lâm Đồng chả mấy chốc sẽ thành nơi ăn chơi nhảy múa của cả nước, cả thế giới. Ăn chơi cũng cần, ai cũng thích, nhưng còn bà con nông dân “được” chính quyền lấy mất đất có về bên kia sông Đuống nữa hay sao?
Một chuyện tốt đẹp đang sắp xảy ra: Ngày 13-10-2010 Thường trực UBND tỉnh Lâm Đồng đã có ý kiến cho kiểm tra và thu hồi dự án sân golf Krèn. Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có ý kiến chỉ đạo: Sân golf nằm trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nếu triển khai dự án sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an sinh xã hội, không có lợi cho kinh tế - xã hội địa phương.
Giàng ơi! Ông bà tổ tiên ơi, về đây cùng bà con tạ ơn Đảng và chính quyền đã giữ đất nước ông bà, cứu bà con, đuổi được “golf” ra khỏi quê hương!
Lý Lão Làng