Dân Việt

Tấm áo của bà má anh hùng

23/10/2010 04:08 GMT+7
(Dân Việt) - Ở Nhà truyền thống Sư đoàn 2, Quân khu 5 có một tấm áo bà ba màu tím sẫm đã sờn cũ, rách nhiều chỗ. Đó là chiếc áo của má Nguyễn Thị Trương ở Quảng Nam, người đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ ba chiến sĩ thoát khỏi trận càn.

Một gia đình cách mạng

Làng Thạch Thượng, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, Quảng Nam xanh bời bời cây lá. Nhà má Trương đặc biệt nhất ở đây bởi dáng cổ kính với 16 cây cột to bằng gỗ lim đen bóng. 

img
Má Trương (áo đen) và các con gái. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Kể về má của mình, chị Huỳnh Thị Mạnh nghẹn ngào: "Năm 1966, quê tôi là vùng mới giải phóng. Bộ đội hành quân về đây thường xuyên. Nhà tôi rộng rãi, vườn rậm rạp, lại có rất nhiều hầm nên các chú ở nhiều nhất. Lúc ấy mới 14 tuổi nhưng tôi đã biết cùng các chị phụ giúp má cơm nước cho các chú (5 chị em chị Mạnh sau này đều đi thoát ly, du kích, có người là biệt động thành - PV).

Trước đó, vì phát hiện là cơ sở cách mạng, cha tôi là Huỳnh Khai bị chúng bắt lên đồn đánh đến tàn tạ, thả về không bao lâu thì qua đời. Mặc cho địch dòm ngó, má tôi vừa làm đồng nuôi đàn con nhỏ và cha chồng mù hai mắt, vừa làm cán bộ phụ nữ thôn, sớm tối đi về."

Lần đó, có một đơn vị thông tin về đóng quân ở nhà chị Mạnh để chuẩn bị cho một chiến dịch lớn. Mới đến chưa bao lâu thì địch đánh hơi được, chúng nã ca-nông dồn dập vào làng. Má bảo các con mình phân tán ra bên ngoài, đừng tập trung một chỗ, còn má phải ở nhà để bảo vệ bộ đội. Sau loạt pháo cấp tập, máy bay vần vũ ném bom. Làng quê yên bình bỗng chốc bị xé nát. Rồi máy bay trực thăng của địch đổ quân xuống một bãi cỏ. Những tên lính hung hăng tỏa đi các nhà.

Ở bìa rừng, trưa hôm đó, chị Mạnh nghe ở phía nhà mình tiếng lựu đạn nổ vang mà ruột gan như lửa đốt. Chạng vạng, ngớt tiếng súng, chị chạy ù về nhà, tìm ra căn hầm dưới gốc mít. Trời ơi, má chị đã chết ngay miệng hầm, tư thế nằm sấp, người dập nát. Từ hai ngách hầm, ông nội, chú Diên ở sát nhà là cán bộ của huyện tăng cường về và ba anh bộ đội cũng chạy lên ôm lấy má. Một chú bộ đội cõng tổng đài cồng kềnh nói nhanh với chị Mạnh: "Má đã hy sinh để bảo vệ các chú, cháu ơi!".

Địch đang phong toả khắp nơi, không thể nào đưa má lên được, mọi người quyết định lấp luôn căn hầm. Ba tháng sau mới đào hầm lên, cải táng má ngay trong vườn. Từ khi má hy sinh, các chú bộ đội thỉnh thoảng vẫn về đây, thắp hương cho má.

Bà má anh hùng

Anh Nguyễn Văn Phúc - chiến sĩ thông tin, người mang tổng đài 15W được má cứu ngày nào hiện đã phục viên ở tại xã Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội kể: "Đại đội thông tin, Trung đoàn 31 của chúng tôi đóng ngay trong làng Thạch Thượng, được gia đình má Trương che chở. Tôi vẫn nhớ như in bà má có dáng cao cao, hiền hậu, má tóc rất dày, giọng Quảng nghe thật ấm áp, hay mặc chiếc áo bà ba tím sẫm.

Mấy tháng sau trận càn, Đại đội trưởng Đại đội Thông tin Hoàng Trí Dũng (hiện ở Hội Cựu chiến binh thị xã An Khê, Gia Lai) đã trở lại Thạch Thượng và sáng tác vở kịch "Tình quân dân dưới chân Hòn Tàu'', kể về hành động anh hùng của má Trương. Mỗi lần diễn, nhân dân trong làng và bộ đội đều xúc động không cầm được nước mắt.

Hôm đó là sáng ngày 20-6-1966, địch phát hiện nơi đơn vị đóng quân nên huy động lực lượng lớn bao vây. Tôi và 2 đồng chí báo vụ mang điện đài cồng kềnh được má Trương kéo chạy ra căn hầm to nhất, đẩy vào 2 ngách sâu, má còn đi thu bằng hết dây nhợ đưa vào trong hầm. Má nói: "Các con giữ nguồn thông tin của đơn vị, có mệnh hệ gì thì biết làm sao. Cứ nằm im trong hầm. Má tính".

Trong hầm đã có bố chồng của má Trương và một anh cán bộ huyện. Chẳng mấy chốc chúng tôi nghe tiếng địch chạy rầm rập trên mặt đất, rất gần. Chúng đã phát hiện ra căn hầm và gọi hàng. Má Trương bình tĩnh ở miệng hầm nói vọng lên: "Hầm này chỉ người già cả thôi". Chúng bảo má lên ngay, nếu không sẽ bắn chết. Má bảo: "Các ông làm gì thì làm, chứ tôi nhất quyết không lên".

Chúng bắn một loạt súng vào nóc hầm hăm dọa. Chúng tôi nói với má hãy đưa ông nội ra đi, còn chúng tôi sẽ chiến đấu với địch. Nhưng má vẫn gan góc không rời hầm một bước. Một tiếng nổ chát chúa vang lên, má đè lên quả lựu đạn, hy sinh tại chỗ. Mảnh đạn văng vào ngách làm một đồng đội của tôi bị thương nhẹ. Bọn địch nghĩ đã "xoá sổ" Việt Cộng nên bỏ đi. 

Vậy là má đã nhận cái chết về phía mình để cứu chúng tôi, cứu hệ thống liên lạc của cả trung đoàn. Tấm lòng của má, của lòng dân Quảng Nam cao quý biết bao. Chiếc áo bà ba của má rách tươm bởi đạn bom được lưu giữ đến hôm nay có lẽ đã được các anh xin lại gia đình trong thời gian đó…