Dân Việt

Kiều hối còn hơn cả tiền

29/12/2010 07:17 GMT+7
(Dân Việt) - Trong các nguồn ngoại tệ, kiều hối có vai trò rất quan trọng, không chỉ ở quy mô lớn, chiếm tỉ lệ khá cao so với GDP, mà còn thể hiện ở chỗ người trong nước được hưởng "cả gốc lẫn ngọn", "tiền tươi thóc thật".

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, lượng kiều hối vào Việt Nam năm 2010 đạt trên 8 tỷ USD. Đây là con số lớn hơn nhiều so với năm trước (6,3 tỷ USD), cao hơn nhiều so với đỉnh điểm đã đạt được vào năm 2008 (7,2 tỷ USD); chỉ thua lượng ngoại tệ từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), còn lớn hơn nhiều so với các nguồn khác (nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, nguồn vốn đầu tư gián tiếp, nguồn thu từ khách quốc tế đến Việt Nam…).

Trong tổng số 8 tỷ USD, số tiền do kiều bào gửi về khoảng hơn 6 tỷ, bình quân 2.000 USD/người; số tiền do lao động có kỳ hạn ở nước ngoài khoảng gần 2 tỷ USD, bình quân 1 lao động gửi về khoảng 5.000 USD.

Lượng kiều hối gửi về Việt Nam tăng khá có nguyên nhân do kinh tế ở những nước mà Việt Nam có kiều bào (hiện có trên 3 triệu người) và số lao động làm việc có thời hạn (trên 400.000 người) đã thoát khỏi khủng hoảng, đang dần phục hồi, thu nhập đã dần tăng lên, trong khi lãi suất ở đây thấp hơn ở Việt Nam, sức mua cũng thấp hơn (1 USD tại Việt Nam có sức mua bằng khoảng 3 USD tại Mỹ).

Có nguyên nhân từ quá trình đổi mới mở cửa hội nhập của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng kinh tế năm 2010 đạt 6,7%, vượt mục tiêu đề ra, cao hơn tốc độ tăng trưởng của hai năm trước, đang có xu hướng cao lên và đang trên đường tiến tới phục hồi.

Với GDP bình quân đầu người ước đạt 1.160 USD, Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình- bước chuyển vị thế giữa hai thập kỷ. Cùng với việc đổi mới, mở cửa, hội nhập sâu rộng hơn, là sự thông thoáng về chính sách thu hút nguồn kiều hối (không hạn chế số lượng tiền, nhận và trả hàng bằng nguyên tệ, thông thoáng trong việc về thăm quê hương, mua nhà ở, đầu tư…).

Có nguyên nhân từ sự thuận lợi, nhanh chóng, an toàn cho người nhận tiền của các ngân hàng thương mại và các đơn vị làm dịch vụ chuyển kiều hối.

Quan trọng hơn cả, tiền đó là tình cảm, tấm lòng của kiều bào và của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với người thân, đối với quê hương, đất nước. Tình cảm, tấm lòng này thể hiện trên hai mặt. Một mặt là phát huy tính năng động sáng tạo, cần cù chịu khó, tiết kiệm chi tiêu…

Mặt khác là vẫn nặng lòng với người thân, với nơi chôn rau, cắt rốn, với quê hương, đất nước của kiều bào; là ý thức tích cóp vốn liếng để trang trải nợ nần, chi phí sửa sang xây dựng nhà ở, góp vốn sản xuất kinh doanh khi hết hạn hợp đồng của người lao động ở nước ngoài.

Nếu kinh tế các nước tư bản phát triển (nơi có đông kiều bào sinh sống, làm việc), nếu các nước có lao động Việt Nam làm việc tăng trưởng cao; nếu việc mua nhà của kiều bào được đẩy mạnh hơn, nếu thị trường chứng khoán với giá cổ phiếu đang rất rẻ mà tăng điểm…, thì lượng kiều hối sẽ còn gia tăng với quy mô và tốc độ cao hơn.