Đổi bò mua xe máyHơn chục năm về trước, đường lên xã Tân Trạch còn khó khăn, lần đầu nhìn thấy chiếc xe máy người A Rem lạ lẫm vô cùng. Đi đường gặp người Kinh đi xe máy họ còn tránh hẳn vào bụi cây. Những năm gần đây, được Nhà nước quan tâm đầu tư, đường giao thông vào bản và đi lại giữa các bản được đổ bê tông, láng nhựa phẳng lì; ô tô, xe máy có thể chạy thẳng một mạch vào trung tâm xã.
Người A Rem cũng quen dần tiếng động cơ, tiếng còi inh ỏi của xe cộ qua lại. Thấy người Kinh “chễm chệ” trên xe vun vút đi-về, trông thật oai vệ, người A Rem cũng ao ước được “cưỡi” trên một chiếc xe máy như thế.
Người A Rem vẫn chưa có ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông.
Có cầu ắt hẳn sẽ có cung, những người bán hàng dưới xuôi lên cái gì cũng có để bán, từ hạt muối, gói mì chính đến cả chiếc xe máy mà người A Rem đang ao ước. Khi được Nhà nước hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế, người A Rem đã đem con bò đổi ngang lấy chiếc xe máy. Nhưng chạy được vài hôm thì chiếc xe nằm ì ra một chỗ, đạp mãi không chịu nổ. Hỏi ra mới biết phải đổ xăng vào xe mới chạy được, vậy là tức tốc lên rẫy hái măng, hái ớt về đổi lấy xăng.
Lúc đầu là vậy, nhưng sau chính quyền địa phương biết được, ngăn cấm triệt để việc đổi bò lấy xe nên họ không đổi bò nữa mà tìm cách khác. Họ khai thác mật ong, sản vật của rừng để bán lấy tiền mua xe, nếu không đủ thì họ chung nhau mua vậy, miễn là có xe.
Tiêu chí chọn xe của người A Rem cũng đơn giản như suy nghĩ của họ vậy. Miễn xe nổ to, còi vang, đèn sáng là họ ưng cái bụng. Thế nên, những chiếc xe đã sử dụng “hết đát”, xe “lậu” được các con buôn tân trang sơ sài đem lên bán lại cho người A Rem với giá từ 3 – 5 triệu đồng.
Không bằng lái, không mũ bảo hiểmNếu như trước đây người A Rem lạ lẫm với chiếc xe máy thì nay nhiều người lớn tuổi ở đây lại cảm thấy sợ. Sợ chính con em mình đi xe máy. Chả là từ khi có đường bê tông trải ngang dọc khắp bản, đường đẹp các cậu thanh niên trong bản ngồi lên xe cứ phóng vèo vèo. Bà con dân bản thấy là khiếp vía, tránh xa.
Có anh say rượu, nửa đêm rú ga chạy quanh bản, bóp còi inh ỏi không cho ai ngủ. Đinh Chui (25 tuổi) trong một lần say rượu, phóng xe nhanh quá đâm vào một chiếc xe lu bên đường. Chiếc xe máy nát tươm nhưng may mắn sao Đinh Chui chỉ bị gãy chân và trầy xước nhẹ.
Mấy tuần sau lại thấy cưỡi xe lao vun vút. Hỏi bị tai nạn rồi không sợ hay sao chạy xe nhanh thế, Đinh Chui cười xòa: “Bị nhẹ thôi mà, người miềng thì khỏe rồi mà cái xe nằm một chỗ không có tiền sửa, phải đi nhờ xe”.
Nếu như trước đây người A Rem lạ lẫm và thích thú chiếc xe máy thì nay nhiều người lớn tuổi ở đây lại cảm thấy sợ. Họ sợ chính con em mình đi xe máy.
|
Từ khi có xe, việc đi lại của một số người A Rem không phải bằng đôi chân như trước nữa. Đi lại thăm bạn bè chỉ cách nhau vài km họ cũng ngồi trên xe máy. Nhiều đôi vợ chồng trẻ cũng đèo nhau lên rẫy bằng xe máy…
Nhưng tuyệt nhiên, người A Rem không ai có bằng lái xe cả và cũng chẳng bao giờ đội mũ bảo hiểm. Đinh Hoe (31 tuổi) một lần chở ba đi thăm bạn ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh), trên đường gặp cảnh sát giao thông tuýt còi lại hỏi bằng lái.
Đinh Hoe gãi đầu trả lời: “Miềng không có bằng, ở trên bản không có ai dạy cho hết. Miềng đi chơi chở anh em đi cùng cho vui, xe miềng chở 3 mà vẫn chạy êm lắm”. Hỏi sao không đội mũ bảo hiểm, Đinh Hoe vô tư bảo: “Đội mũ bảo hiểm ngứa ngáy khó chịu lắm”. Mấy anh cảnh sát đành lắc đầu ngao ngán, thôi đành cho qua vậy.
Xã Tân Trạch hiện có 67 hộ, với 240 nhân khẩu người A Rem sinh sống, cả bản có hơn 20 chiếc xe máy và chắc chắn trong tương lai sẽ còn nhiều hơn nữa. Và chắc chắn các vụ tai nạn giao thông liên quan đến tính mạng sẽ xảy ra nếu ý thức tham gia giao thông của người A Rem không cải thiện.