Vấn đề này đã được Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) đưa ra bàn hôm qua (28 - 12).
Nông dân không liên kết được với nhau
Nhận định trên được đưa ra trong bản nghiên cứu "Đề xuất thành lập hợp tác xã và Hiệp hội Người sản xuất cà phê VN" do TS Trần Thị Quỳnh Chi - Giám đốc Trung tâm Thông tin Ipsard chủ trì. Theo khảo sát của Ipsard, hiện tại ngành cà phê nước ta vẫn sản xuất trên quy mô nhỏ, phân tán với 85% trang trại quy mô dưới 2ha.
Thành lập HTX cà phê sẽ giúp nông dân tăng mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. |
Ngành này cũng không có người đại diện ngoài Vicofa, nên khó mở rộng sản xuất, giảm hiệu quả đầu tư, hạn chế áp dụng khoa học- kỹ thuật, dẫn đến chất lượng cà phê VN không đồng đều, chịu nhiều thua thiệt, nhất là về mặt giá cả khi xuất khẩu.
Theo nhận xét của TS Trần Quỳnh Chi: "Do thực trạng trên, nên thị trường đầu ra vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, giá trị thấp, thị trường truyền thống. Hầu hết cà phê xuất khẩu dưới dạng nhân xô, không qua chế biến với tỉ lệ chưa rang xay chiếm trên 90%, cà phê nước ta cũng không có thương hiệu, không phân biệt giá. Mặt khác, cà phê VN cũng thường xuyên bị các nhà đầu cơ quốc tế thao túng do chưa thiết lập được hệ thống chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chuyên nghiệp, cũng như có quá nhiều đầu mối xuất khẩu cà phê cạnh tranh tự phá giá lẫn nhau.
Ông Nguyễn Văn Nghiêm- Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và Trang trại (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn) đánh giá: "Nếu nhìn vào thực trạng của cà phê VN hiện nay, có thể thấy vẫn ổn định, song đó là sự ổn định không bền vững, không hiệu quả. Do sự yếu kém của ngành cà phê, mà chúng ta đã bị thiệt hại tới vài trăm triệu USD mỗi năm khi xuất khẩu. Đây là vấn đề do tổ chức, nhất là sự liên kết giữa nông dân với nhau, chứ không phải do kỹ thuật".
Mô hình nào cho HTX cà phê?
Theo đề xuất của Ipsard, HTX cà phê ở VN khi được thành lập nên dựa trên nguyên tắc tự nguyện tham gia, tiết kiệm chi phí, không lấy mục đích để kiếm lợi nhuận. HTX cũng hoạt động trên nguyên tắc phân chia bình đẳng, tự chủ tài chính, cung cấp, hỗ trợ dịch vụ ở một số khâu như về lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến, kho tàng, cung ứng hàng tiêu dùng theo giá thống nhất, hợp lý, cung cấp tín dụng lãi suất thấp, dịch vụ bảo hiểm…
TS Trần Quỳnh Chi đề xuất: "Trong việc tiêu thụ sản phẩm, HTX vào các khâu thông tin, đàm phán với khách hàng, tham gia chương trình kích cầu cà phê nội địa, tổ chức giao dịch linh hoạt. HTX cũng phải tiến hành vay lãi suất thấp không từ quỹ, ngân sách của nhà nước để cung cấp tín dụng lãi suất thấp cho xã viên, đồng thời HTX cũng nhận tiền gửi của xã viên sử dụng để kinh doanh và lấy lãi suất".
Ngoài đề xuất thành lập các HTX cà phê, Ipsard cũng đề xuất thành lập Hiệp hội Người sản xuất cà phê VN với vai trò sẽ được thiết lập là một tổ chức của nông dân, bảo vệ quyền lợi của họ, thực hiện các dịch vụ phục vụ nông dân; điều phối với các HTX cà phê cơ sở. Hiệp hội này có cơ chế vận hành dựa trên khối lượng giao dịch lớn, đồng thời đảm bảo dự trữ hàng, điều tiết giá, đặc biệt là có khả năng điều tiết và chi phối được giá cà phê xuất khẩu, cũng như giá cà phê thế giới.
Ông Lương Văn Tự- Chủ tịch Vicofa cho rằng: "Muốn thành lập HTX cà phê, chúng ta cần đề xuất nhà nước hỗ trợ rất nhiều, nhất là về khâu đào tạo nhân lực, bởi đó là một bước đi cần thiết và hiệu quả, vì có thể coi đây như một cách để nhà nước gián tiếp hỗ trợ vào nông nghiệp". Còn ông Nguyễn Văn Nghiêm thì cho rằng: "Trước mắt, chúng ta nên tổ chức 5-7 mô hình HTX cà phê lớn để nghiên cứu ra những mô hình phù hợp, hiệu quả".
Lê Hân