Gian nhà lụp xụp ở góc sân đình làng Đồng Lư, Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội là nơi ông Nguyễn Văn Quý, 82 tuổi và người vợ mù lòa Nguyễn Thị Chén, 78 tuổi ở nhờ, tự kiếm sống nuôi nhau những ngày cuối đời.
"Còn ai khổ nhục hơn tôi?"
Tiếng than trời của ông Quý kéo chúng tôi vào thăm gia cảnh của ông. Sau tiếng mời nước bằng chất giọng địa phương là lạ: "Cháu mời chú uống nước" (dù gặp người già hay trẻ thì dân Quốc Oai đều xưng mình là cháu), ông Quý ngồi thu mình về phía góc chiếc phản.
Ông Quý trong căn nhà tồi tàn, rơi nước mắt khi kể về những đứa con. |
Câu chuyện đời ông tận cùng đau khổ: Mồ côi cha mẹ từ thuở mới lọt lòng, ông Quý đi ở hết nhà này đến nhà khác trong vùng. Chưa bao giờ ông được ăn một bữa no, thậm chí có những lúc phải ăn cơm cùng với suất cơm của chó. Số phận cùng cực ấy đã đưa đẩy ông gặp bà Chén cũng cùng phận mồ côi. Hai người nên vợ nên chồng.
Thời trẻ đã khổ, về già, cuộc sống của ông bà càng cùng cực hơn. Bảy người con đã khôn lớn trưởng thành, ai cũng đã có gia đình, trong đó có người con trai có nhà cao, đất rộng vậy mà bố mẹ già phải ra sống nơi góc đình.
Ông Quý uất ức kể: "Khổ lắm chú ơi! Cha mẹ nào mà chả muốn sống với con cháu. Nhưng những đứa con trai của cháu rất hỗn hào. Đã có lần thằng con trai cháu cho mẹ nó ăn đấm vào mặt. Còn bản thân cháu đã từng vài lần bị thằng Trượng, thằng Đại kề dao vào cổ và bảo: "Tao cho mày một nhát bây giờ!..".
Những lần con trai ông bà là Trượng, Đại chửi bố mẹ mình thì nhiều không đếm xuể. Nhà, đất của ông bà, người con trai trưởng ở nhưng không muốn ở cùng bố mẹ. Thậm chí khi ông bà ra đình làng ở nhờ rồi, chúng còn ra tận đình mà chửi rủa. Người con trai còn lại sống cách đó vài chục km cũng mặc kệ bố mẹ, chẳng bao giờ đoái hoài hỏi han, chăm sóc.
Cần một tòa án lương tâm
Bà Nguyễn Thị Nhễ, người cùng thôn tâm sự: "Ông bà Quý - Chén khổ lắm chú ạ, bị con cái đuổi đi. Dân làng quanh đây bảo, vì ông bà ấy hiền lành quá nên lũ con mới được đà làm thế".
Ông Nguyễn Đạt Thi - Hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Đồng Lư cho biết, sự việc nhà ông Quý đã được Hội hòa giải nhiều lần nhưng đâu lại vào đó. Hội Người cao tuổi và dân làng thương tình nên cho ông bà ở nhờ gian nhà ở góc sân đình. Đổi lại, ông Quý trông nom và quét dọn đình.
Chính quyền xã Đồng Quang cũng đã nhiều lần đến hòa giải, nhắc nhở những người con của ông bà Quý-Chén phải sống có hiếu với cha mẹ. Nhưng sự việc chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Vợ chồng Đại đã 4 lần đón ông bà về trông con, dọn dẹp nhà cửa cho chúng và cũng là 4 lần ông bà bị đuổi đi, phải quay lại đình làng để sống. Chính quyền địa phương cho biết do con cái của ông bà không vi phạm pháp luật nên không thể xử lý!
Để tự kiếm sống nuôi thân và nuôi người vợ mù loà, ngày ngày ông Quý phải mang vó ra đoạn sông Máng để kéo cá, tép bán lấy vài đồng mua rau, mua gạo. Ngoài ra, ông Quý còn trông nom, quét dọn, đèn nhang cho đình làng và 2 cái quán để có 70.000 đồng/tháng. May mắn thời gian gần đây ông bà được hỗ trợ thêm 250.000 đồng/tháng (liền hỗ trợ hộ nghèo).
Nói về những đứa con, ông Quý phẫn nộ nhưng rồi "nước mắt chảy xuôi", ông vẫn cam chịu. Chỉ có dân làng thì bảo, dù rằng những hành động và lời lẽ bất hiếu của lũ con ông bà chưa bị xử lý theo pháp luật, nhưng tòa án lương tâm sẽ không bao giờ tha thứ cho họ.
Bùi Trang - Hải Dương