Nhìn từ các khán đài
Theo số liệu thống kê của VFF, tổng số khán giả tới sân ở V.League 2010 là 1.510.128 người, trung bình 8.297 người/trận, kém khá xa so với V.League 2009 (1.879.500 người, trung bình 10.326 người/trận). Trên lý thuyết, có thể chỉ ra nguyên nhân sự sút giảm đó là do ảnh hưởng của World Cup. Nhưng nếu để ý kỹ, sẽ thấy các khán đài liên quan mật thiết với những bước đi của ĐTQG, đội U23 QG.
Minh Phương (phải) tìm bến đỗ mới ở SHB Đà Nẵng |
Thực tế, chính thành công của ĐTQG với danh hiệu vô địch AFF Cup 2008 đã tạo sức hút cho V.League 2009. Người hâm mộ hào hứng đến sân xem một trận đấu V.League mang theo vị ngọt chiến thắng của những nhà vô địch Đông Nam Á. Họ muốn xem những tuyển thủ: Công Vinh, Việt Thắng, Dương Hồng Sơn… thi đấu ra sao trong màu áo CLB.
Ở thái cực khác, thất bại của đội U23 tại SEA Games 2009 đã làm nhiều người thất vọng, kéo theo việc các khán đài V.League 2010 có nhiều chỗ trống. Giờ khi chỉ còn nửa tháng tới một tháng nữa là đội Olympic quốc gia, đội tuyển quốc gia sẽ lần lượt Nước vào đấu trường Asiad, AFF Cup 2010, thì không chỉ người hâm mộ, mà những người làm chuyên môn cũng rất mong ngóng tin vui từ các đội tuyển.
Trong chừng mực nhất định, dấu ấn từ những đôi chân của Minh Phương, Tài Em, Quang Hải… không chỉ giúp bản thân họ khẳng định giá trị, giúp tuyển VN bảo vệ danh hiệu vô địch AFF Cup, mà còn kéo theo những hệ quả tích cực, thúc đẩy bóng đá VN tiến lên chuyên nghiệp và ngược lại.
Cạnh tranh quyết liệt
Thực tế, những mốc son ở cấp độ đội Olympic (lọt tới vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008), ĐTQG (lọt tới tứ kết Asian Cup 2007, vô địch AFF Cup 2008), đã đưa rất nhiều Mạnh Thường Quân tới với bóng đá VN. Nếu như trước thềm V.League 2009, việc Công Vinh chuyển tới Hà Nội T&T với cái giá 7 tỷ đồng gây "sốc" trong dư luận, thì tới nay, chuyện Quang Hải rời K.Khánh Hòa tới Navibank.SG với gần chục tỷ đồng lót tay đã là chuyện… thường (?!).
Sau cú "chết hụt" ở V.League 2010, dường như niềm kiêu hãnh của Navibank.SG đã bị tổn thương và họ là đội bóng nhiệt tình nhất trên thị trường chuyển nhượng khi mang về nhiều cầu thủ có mác đội tuyển, đội U23: Trường Giang, Hoàng Vương (từ Bình Dương chuyển tới), Tài Em (ĐT.LA), Quang Hải, Văn Phong (K.Khánh Hòa), Được Em (CS.Đồng Tháp). Hiện Navibank.SG còn đang theo đuổi Lee Nguyễn với mục tiêu xưng hùng ở V.League 2011.
Cùng với Navibank.SG, HP.Hà Nội cũng bắt đầu "nóng" trở lại với những sự bổ sung sáng giá: Thủ môn Đức Cường, Thanh Phúc (SHB. Đà Nẵng), Xuân Luân (V.Ninh Bình), Aganun (CS.Đồng Tháp). "Lực lượng năm nay của chúng tôi tốt hơn nhiều năm ngoái, nhưng các đội khác cũng có nhiều sự bổ sung nên khó nói trước điều gì. Nếu có thêm một chút may mắn, HP.Hà Nội có thể lọt vào tốp 5" - HLV Nguyễn Thành Vinh nói.
Bên cạnh sự chuẩn bị tất bật của những đội tốp dưới, một số thế lực mới nổi: V.Ninh Bình, XM.Hải Phòng (chỉ có thêm tuyển thủ Olympic Hữu Phước chuyển tới từ K.Khánh Hòa), Hà Nội T&T… lại có dấu hiệu chững lại. Còn các thế lực cũ: SHB. Đà Nẵng (đã có sự phục vụ của Minh Phương, Ngọc Thanh), Bình Dương (sở hữu thêm Leandro chuyển tới từ XM.Hải Phòng với phí lót tay 300 nghìn USD/năm, lương 20 nghìn USD/tháng).
Những sự chuyển dịch đó hứa hẹn sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh quyết liệt cho V.League 2011- nơi không có nhiều sự chênh lệch lực lượng giữa các đội.
Lê Đức