Dân Việt

1,2 triệu phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo sẽ được hỗ trợ

Diệu Linh 16/09/2013 06:00 GMT+7
Bộ Y tế vừa đề xuất chi 52 tỷ đồng/năm để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số.
Đây là dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo cơ hội sống khỏe cho phụ nữ và trẻ em khu vực này.

52 tỷ đồng/năm


Theo tính toán của Bộ Y tế, có khoảng 1,2 triệu phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ toàn bộ chi phí trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại các cơ sở y tế công lập từ tuyến huyện trở lên.

Đây cũng là số phụ nữ sẽ được hưởng chính sách theo tinh thần dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ đặc thù hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa là người dân tộc thiểu số thực hiện sinh con đúng chính sách dân số, trừ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Nhiều bà mẹ và trẻ em sẽ được chăm sóc y tế tốt hơn nếu được hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn khi khám bệnh ở tuyến trên.
Nhiều bà mẹ và trẻ em sẽ được chăm sóc y tế tốt hơn nếu được hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn khi khám bệnh ở tuyến trên.

Nội dung của dự thảo là hỗ trợ toàn bộ chi phí đồng chi trả trong khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập từ tuyến huyện trở lên. Nhóm phụ nữ nói trên sẽ được hỗ trợ kinh phí đi và về từ nhà đến trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực nhiều nhất là 3 lần khám/lần mang thai đối với phụ nữ có sức khỏe bình thường và 1 lần sinh. Mức thanh toán là 0,2 lít xăng/km tính theo giá xăng tại thời điểm sử dụng và các chi phí cầu, phà, đường bộ khác (nếu có). Theo chính sách dân số, mỗi phụ nữ sẽ được hỗ trợ 2 lần sinh con, hỗ trợ khám bệnh và khám phụ khoa 2 lần/năm.

Ngoài ra, chị em cũng được hỗ trợ tiền ăn trong trường hợp phải điều trị nội trú hoặc sinh con tại các cơ sở y tế công lập từ trạm y tế xã trở lên. Mức hỗ trợ tối thiểu bằng 3% mức lương tháng cơ bản/người bệnh/ngày.

Tổng cộng tất cả các chi phí hết khoảng 52 tỷ đồng mỗi năm. Số kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ này được cân đối trong nguồn kinh phí ngân sách địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có trách nhiệm phê duyệt danh sách phụ nữ nghèo đúng chính sách để được hưởng chế độ hỗ trợ và chịu trách nhiệm về việc phê duyệt, chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện chế độ hỗ trợ, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế.

Cơ hội cho phụ nữ nghèo

Chị Trương Thị May (dân tộc Dao Tuyển, trú tại Bảo Thắng, Lào Cai) đang mang thai tháng thứ 8. Chị cho biết, đứa con đầu do sinh ở nhà, chị sinh khó nên con không sống được. Lần này, chị rất muốn đi khám, đi đẻ ở huyện cho an toàn, nhưng nhà cách huyện hơn 30km đường núi, chưa biết làm cách nào để đi. "Hàng xóm có cái xe máy đấy nhưng không có tiền mua xăng. Nên đành ở nhà thôi" - chị cho biết.

Theo Bộ Y tế, nghiên cứu tại 14 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cho thấy, hiện vẫn còn khoảng 10% số phụ nữ không đi khám thai lần nào; 23,7% số bà mẹ không uống viên sắt trong lần mang thai; 19,8% số phụ nữ sinh con tại nhà và 12,8% số phụ nữ sinh con được đỡ bởi những người không có chuyên môn về y tế và chỉ khoảng 30% số trường hợp sinh con có sử dụng gói đẻ sạch...

Theo kết quả điều tra, ở Việt Nam, khoảng cách bình quân từ thôn, bản trong những xã nghèo đến bệnh viện tuyến huyện là 39km, trung bình người dân phải mất hơn 3 giờ đồng hồ nếu sử dụng phương tiện giao thông công cộng (đối với những nơi có dịch vụ vận tải) hoặc 1 giờ nếu sử dụng xe máy. Đây là một cản trở lớn đối với những người dân khi muốn được đi khám bệnh ở tuyến cao hơn.

Bà Dương Thị Hải Ngọc - chuyên viên Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số vẫn rất ít cơ hội để tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhiều người phải sinh tại nhà, không được chăm sóc trước và sau sinh. Điều đó dẫn đến các nguy cơ đẻ non, tai biến sản khoa, tử vong mẹ và tử vong sơ sinh, con suy sinh dưỡng… Số liệu của Bộ Y tế cho biết, tỷ suất tử vong bà mẹ ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao gấp 3 lần so với các tỉnh đồng bằng. Một số tỉnh trong những năm gần đây vẫn có tỷ suất tử vong mẹ rất cao như Cao Bằng 411/100.000; Điện Biên 249/100.000, trong khi toàn quốc là 68,3/100.000 trẻ đẻ ra sống.

Cô đỡ Cà Rá Thị Lan (xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ, đồng bào dân tộc Cơ Ho, Raglay có tập tục sinh đẻ rất lạc hậu. Phụ nữ thường tự đẻ, tự đỡ, cắt rốn cho trẻ bằng mảnh sành, cật nứa. Nhưng vận động bà con đi khám thai, đi sinh ở trạm y tế thì họ đều viện cớ xa xôi, không có tiền đi lại. "Nếu như có tiền hỗ trợ đi lại cho phụ nữ thì sẽ dễ vận động họ đi khám, đi đẻ ở trạm hơn".