Từ chuyện chống bỏ học...
Con đường từ trung tâm huyện Bát Xát về Trường Tiểu học Nậm Pung (Bát Xát, Lào Cai) không dài đến trăm km nhưng đầy những rãnh sâu, dốc đá, phải men theo những tà luy vắt vẻo trên những đỉnh núi… đã chiếm hết một buổi sáng của chúng tôi.
Một giờ học tiếng Việt của học sinh tiểu học Bát Xát, Lào Cai |
Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Bát Xát có 23 xã, thị trấn thì có tới 16 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn với 4 dân tộc chính là Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì. Mới chỉ 5-7 năm trước, việc huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường và duy trì số học sinh đã là một thách thức mà không ít giáo viên phải “ôm mặt khóc” vì tưởng mình không thể đạt được điều đó.
Ông Lầu A Tủa, nông dân bản Pung, xã Nậm Pung, phụ huynh hai học sinh Trường Tiểu học Nậm Pung, kể: “Ôi dào! Nói chuyện cho trẻ đi học trước đây thì buồn cười lắm. Thầy giáo đến nhà cứ bảo phải cho nó đi học đều nhưng mình nghĩ mình có biết chữ đâu mà vẫn đẻ ra nó, nuôi được nó. Nay nó có sức khoẻ thì phải giúp mình làm nương, chăn trâu. Nhưng rồi cán bộ xã, bản, giáo viên nhà trường đến nói mãi, mình cũng hiểu ra: Nếu không có chữ thì làm nông dân cũng không giỏi được, chỉ đói nghèo mãi thôi. Hiểu rồi thì làm theo thôi”.
Bây giờ cả bản Pung, cả xã Nạm Pung và nhiều xã khác, nhà nào cũng lo cho con đi học chữ. Con ông Lầu A Tủa mới học lớp 4 thôi nhưng ông bảo: “Nhiều cái nó khôn hơn mình rồi. Mình muốn xuống huyện, xuống tỉnh nhiều là phải học tiếng Kinh, cách đi đường từ nó đấy!”.
... Tới “vào cuộc” dạy tiếng Việt
Ông Trương Kim Minh - Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, chia sẻ: Lào Cai có gần 70% học sinh là con em DTTS nên việc dạy tiếng Việt được chú trọng trong toàn tỉnh và coi đó là chìa khoá để thành công.
Những em bé như con ông Lầu A Tủa được “rèn” tiếng Việt rất kỹ. Qua thực tế kiểm chứng ở cấp tiểu học, nếu học tốt môn Tiếng Việt thì sẽ học tốt môn Toán và các môn khác. Về những giải pháp để thực hiện nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt thì Bộ GD&ĐT đã mở hết các cửa, hướng dẫn rất chu đáo.
Lào Cai là địa phương có nhiều sáng tạo với kết quả cao trong việc dạy tiếng Việt cũng như giáo dục tiểu học. Chẳng hạn, để học sinh có thêm điều kiện thuận lợi tiếp xúc, giao dịch bằng tiếng phổ thông trong môi trường thuận lợi nhất, các trường đã tạo điều kiện để các em được học bán trú 2 buổi/ngày, có những khu vui chơi, giải trí; sinh hoạt văn hoá, văn nghệ trong những buổi ngoại khoá, giờ sinh hoạt…
Đầu năm học các trường đều tổ chức ký cam kết chất lượng giáo dục giữa giáo viên với nhà trường và cán bộ xã, bản. Cán bộ xã, bản tự lo đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở các phụ huynh, học sinh. Học sinh bỏ học, học yếu... xã, bản cũng có trách nhiệm. Thầy cô giáo cũng đeo bám phụ huynh, bày cho phụ huynh cách dạy con em mình học tiếng phổ thông.
Cuối mỗi học kỳ lại tổ chức nghiệm thu chất lượng, cuối năm học bàn giao chất lượng học sinh giữa các lớp học, các cấp học. Làm chặt chẽ lại cộng đồng trách nhiệm nên hiệu quả cao.
Kiều Thiện