Dân Việt

Cá khô: Đòn bẩy cho bệnh cao huyết áp

26/10/2010 17:45 GMT+7
(Dân Việt) - Muối ăn nếu không chiếm hạng nhì sau cholesterol trên bảng “phong thần” các chất sinh bệnh thì cũng huy chương… đồng. Nguồn bệnh đến, nhiều khi chỉ qua bữa cơm quen thuộc: Cơm trắng cá khô!

Lạm dụng gia vị nào cũng bất lợi

Lệnh “ăn lạt tuyệt đối” là chuyện rất dễ nói của thầy thuốc, nhất là khi chữa bệnh tim mạch đã lâu nhưng trật tới vuột lui. Khó cho người bệnh là làm sao tuân thủ y lệnh ngày này qua tháng khác, nhất là khi nhiều người xứ mình tuy không “thêm mắm dặm muối” nhưng nuốt không trôi món lờ lợ, nói chi đến món nhạt thếch!

Vì vậy, ăn mặn sao cho đúng cách để người chưa bệnh đừng bị bệnh về sau, để người đã bệnh đừng trở bệnh nặng.

Tuy nhiên, nếu tưởng né được muối ăn đồng nghĩa với tránh bệnh thì lầm. Bằng chứng là không ít người đang kiêng cữ ăn mặn kịch liệt, nhưng vẫn có mặt thường lệ ở phòng khám vì cao huyết áp. Không có gì khó hiểu khi 1g muối ăn giữ đến 100g nước trong cơ thể.

Nhưng đừng vì thế mà đổ hết lỗi cho muối ăn. Nếu thuốc tốt trở thành thuốc độc vì dùng sai liều lượng thì không riêng gì muối ăn, lạm dụng gia vị nào cũng bất lợi cho sức khỏe.

Cũng chính vì thế mà cần xem lại thói quen chỉ ăn cơm trắng với cá khô. Nhiều người vẫn tưởng lùa cả chén cơm với miếng khô nhỏ xíu thì nhằm nhò gì chuyện thừa muối. Không đơn giản như thế.

Đừng quên lượng muối đưa vào cơ thể không tương xứng với lượng muối nêm thêm trong bữa ăn. Lượng muối rắc thêm cho vừa miệng thường không cao bằng lượng muối dùng để bảo quản thực phẩm hay có sẵn trong món ăn trước đó được ngâm, được luộc trong nước có bỏ muối, hay được ướp muối nhiều lần để phơi khô.

Món cá khô ở xứ mình vì thế là đòn bẩy cho bệnh cao huyết áp. Đó là chưa kể đến người dùng thêm canh nấu với mấy muỗng bột nêm. Ít ai ngờ là lượng muối ăn trong bột nêm thừa sức để “đời cha húp canh, đời con khát nước”!

Nạn nhân đồng thời là thủ phạm

Bên cạnh đó, người mạnh miệng, hay nói đúng hơn, quen miệng với cơm trắng cá khô thường có vài thói quen tiếp tay cho bệnh cao huyết áp, như: Uống không đủ nước trong và sau bữa ăn nhiều mắm muối để nhờ nước pha loãng độ mặn; Không nhai thật kỹ miếng khô nên chưa tận dụng được vị mặn núp kín trong khô; Chưa được hướng dẫn “mánh” ức chế hoạt tính giữ nước của natri trong muối ăn bằng tính chất lợi tiểu của kalium trong rau quả tươi, như chuối, bưởi, rau dền…

Đừng quên là natri trong muối ăn đồng thời giữ vai trò quan trọng trong tiến trình hấp thu chất dinh dưỡng qua niêm mạc đường ruột. Khi ăn quá mặn thì một lượng nước đáng kể thay vì được hấp thu và theo máu đến thận, bị giữ lại trong lòng ruột cùng với nhiều dưỡng chất khác.

Người ăn mặn vì thế khát nước nhưng tiểu ít và tự làm hại thận. Cũng vì thế mà không lạ gì khi các bà ăn quá mặn dễ mất vòng eo.

Nhiều người đang tốn nhiều tiền để ráng làm ốm, trong khi giải pháp rất đơn giản là chỉ cần giảm thành phần natri và tăng hàm lượng kali trong chế độ dinh dưỡng để cơ thể giữ đúng số lượng dịch thể trong từng tế bào, thay vì trữ nước bên ngoài tế bào.

Không có lý do gì để từ chối bữa cơm gạo nanh chồn với miếng khô cá tra béo ngậy. Càng ngon miệng càng tốt. Nhưng đừng quên độn nhiều rau cải trong bữa ăn, nhiều trái cây khi tráng miệng để mạch máu vẫn tươi rói với món mắm muối đúng điệu mặn mà!

Bữa cơm với gạo trắng cá khô không chỉ có hại cho sức khỏe vì lượng muối thường thừa mà còn là yếu tố thuận lợi cho bệnh ung thư dạ dày phát tán bởi khẩu phần vừa đơn điệu, vừa cực đoan với hai món gạo và khô mà không có rau quả đi kèm.