Con dao được rèn từ mảnh bom của giặc, trên thân dao còn trang trí hình mặt trời.
Ông Tiến và con dao găm |
Địa phận tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), nơi ông Tiến đi địch hậu có một vùng toàn người Lầu Sủng (người Mông và người Dao). Khu vực rất nhiều rừng, càng vào sâu càng rậm rạp, âm u.
Con dao là 1 trong 5 bảo vật mang theo của người lính hoạt động ở Lào. Con dao găm dùng phát chặt cây rừng, đề phòng bất trắc và sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày; tấm nilon bọc đồ, làm phao qua sông, suối; một chiếc bật lửa; một lọ muối ăn cho bữa ăn thêm đậm, tránh phù; chiếc võng 2 lớp: 1 nằm, 1 đắp.
Trên đường hành quân, đoàn của ông Tiến có ghé qua bản Phù Vinh, người dân ở đây thấy dao bộ đội không tốt, liền rèn cho mỗi người một cái. Nhưng lúc đó hết sắt nên dân tính đi tìm mảnh bom để rèn dao. Nhưng tìm bom cũng không ra, chỉ có những quả bom địch thả xuống chưa nổ.
Dân bản Phù Vinh lại bàn nhau tìm cách kích nổ để lấy vỏ bom. Mọi người đào một cái hố thật to, lăn quả bom xuống đó và đốt lửa. Sau 3 lần quả bom mới nổ, mảnh bom găm khắp xung quanh hố bom. Dân đào, lượm hết các mảnh vỏ văng ra đem về rèn dao cho bộ đội.
Nói về những kỷ vật chiến trường, ông Tiến vui lắm, kể hết chuyện này sang chuyện khác. Nhớ ra còn cái võng dù bị thủng mấy lỗ chưa khoe, ông đi tìm bằng được.
Chiếc võng hai lớp gắn bó với ông suốt 14 tháng ở rừng. Trận ở bản Na Sắp ngoại thành Viên Chăn, địch bắn một loạt tiểu liên trúng chỗ trú của quân ta, khi mọi người đang ngủ. Đó là nguyên nhân của mấy vết rách này.
Những kỷ vật gắn bó một thời kháng chiến, cứ có dịp là ông Tiến lại mang ra xem, ôn lại kỷ niệm với đồng đội và mọi người.
Hà Thu