Dân Việt

Duy trì 100.000ha ngô tại ĐBSCL

T.X - H.H 08/10/2013 10:49 GMT+7
PGS - TS Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông quốc gia khu vực miền Nam) cho biết: Theo định hướng chuyển đổi của Bộ NNPTNT, hai loại cây trồng chính trong chiến lược được triển khai là ngô và đậu nành.
Ngô đã được trồng nhiều ở các tỉnh Nam Bộ (An Giang năm 2012 với 10.700ha), sau đó đến cây đậu nành. Khuyến cáo cơ cấu cây trồng vùng ĐBSCL sau chuyển đổi sẽ duy trì diện tích sản xuất toàn vùng khoảng 100.000ha ngô với năng suất 55 tạ/ha, sản lượng hàng năm ổn định 550.000 tấn/năm. Còn cây đậu nành mục tiêu chung cả nước đến năm 2020 diện tích đạt 350.000ha, sản lượng khoảng 700.000 tấn. Cây đậu nành sẽ được canh tác một vụ (xuân hè hay hè thu sớm) luân canh sau vụ lúa đông xuân.

Việt Nam đang thiếu những giống ngô chất lượng tốt, năng suất cao.
Việt Nam đang thiếu những giống ngô chất lượng tốt, năng suất cao.

PGS - TS Mai Thành Phụng cũng cho rằng, phân tích những kết quả nghiên cứu chuyển đổi một số cây trồng khác trên đất lúa chủ yếu trong vụ xuân hè hay hè thu như ngô, đậu nành, mè, dưa hấu, một số loại rau quả khác tại các tỉnh ĐBSCL, đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa tại các vùng kém hiệu quả. Tuy nhiên, chuyển đổi cây lúa sang các cây trồng màu khác, sản xuất cũng sẽ gặp nhiều khó khăn về giống, kỹ thuật canh tác, công lao động, cơ giới hóa và nhất là thị trường tiêu thụ. Do đó, khi chuyển đổi chúng ta cần lưu ý: Trước tiên, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng rà soát lại quy hoạch, làm rõ vùng nào, vụ nào do điều kiện tự nhiên trồng lúa kém hiệu quả hoặc trồng lúa vẫn có hiệu quả nhưng chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả hơn thì cần chuyển đổi, không nói quy hoạch một cách chung chung. Mặt khác, trên cơ sở các mô hình liên kết đã có, sắp tới cần chú ý và đẩy mạnh các mối liên kết dọc, ngang, chẳng hạn liên kết các khâu của quá trình sản xuất như cung cấp giống, cung cấp nguyên liệu, liên kết nông dân thành tổ hợp tác hay hợp tác xã để có thể đại diện cho nhà sản xuất đàm phán, ký hợp đồng với các đối tác…

Đặc biệt, cần tăng cường thông tin và hướng dẫn cho người sản xuất về các giải pháp đồng bộ cho việc chuyển đổi cây trồng: Thông tin về cơ cấu giống cây trồng thích hợp, vụ trồng thích hợp, công thức luân canh, các tiến bộ kỹ thuật về cơ giới hóa, chính sách hỗ trợ giống và kỹ thuật của các công ty, các chính sách của Nhà nước… Các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa trong việc liên kết với sản xuất để phát triển các cây trồng có lợi thế trên đất lúa kém hiệu quả.