Dân Việt

Bích Câu Đạo quán chờ được tu bổ

27/10/2010 06:06 GMT+7
(Dân Việt) - Hà Nội tưng bừng tổ chức Đại lễ với nhiều hạng mục công trình được tu bổ, cải tạo nhưng không hiểu vì lý do gì một di tích lịch sử văn hóa lâu đời như Bích Câu Đạo quán lại bị "bỏ quên".

Bích Câu Đạo quán được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ 15, đầu thế kỷ thứ 16, đời Vua Lê Thánh Tông. Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến bùng nổ, nơi đây trở thành trụ sở Ủy ban Kháng chiến. 

img
Toàn cảnh Bích Câu Đạo quán thế kỷ 15

Năm 1947 Bích Câu Đạo quán bị giặc Pháp san bằng. Bích Câu Đạo quán xưa có diện tích 2.971m2, nay đã bị lấn chiếm khoảng 40% (đang được giải phóng mặt bằng). Ngôi đền đã xuống cấp nghiêm trọng, dột nát, ẩm thấp, tối tăm...

Mặc dù từ năm 1999, Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội - Sở VH-TT&DL Hà Nội đã có "Dự án xây dựng, bảo tồn tôn tạo và khai thác di tích lịch sử văn hóa Bích Câu Đạo quán", tuy nhiên, đến nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ.

Ông Hoa Ngọc Quang, Quản lý Bích Câu Đạo quán hiện nay, cho biết: "Năm 1995, UBND TP.Hà Nội chỉ đạo cho phường Cát Linh thành lập ban quản lý, tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn ban quản lý này tự động giải tán. Trước tình hình đó các cụ phụ lão làng An Trạch đã chủ động quản lý đình Bích Câu”.

Nhiều năm qua, đình Bích Câu đã có hiện tượng xuống cấp, dột nát và dân làng An Trạch đã chủ động quyên góp khắc phục. Tuy nhiên, người dân muốn sửa sang, tu bổ, cải tạo phải được sự đồng ý của Sở VH-TT&DL Hà Nội. Do đó khi chưa xin được giấy phép, việc sửa chữa chỉ ở cấp độ nhỏ khắc phục và chắp vá.

Ông Quang cho biết thêm: "Chúng tôi đã nhận được chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội về việc trùng tu, tu bổ lại Bích Câu Đạo quán trong dự án 995 năm Thăng Long - Hà Nội rồi đến 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng đến nay chúng tôi mới chỉ được xây dựng một bờ tường bao và tiến hành giải phóng mặt bằng các khu nhà xâm chiếm".

Hà Nội tưng bừng tổ chức Đại lễ với nhiều hạng mục công trình được tu bổ, cải tạo nhưng không hiểu vì lý do gì một di tích lịch sử văn hóa lâu đời như Bích Câu Đạo quán lại bị "bỏ quên". Những người dân làng An Trạch luôn mong muốn được đóng góp, xây dựng ngôi đình của làng chính mình thì vẫn "lực bất tòng tâm".