“Với tôi viết theo kiểu đi “phượt” là tầng thấp nhất của những chuyến đi, “Phút 90++” không phải cuốn sách đi phượt và càng không phải dành cho dân đi phượt” - nhà báo Trương Anh Ngọc (Báo Thể Thao & Văn Hóa) chia sẻ về cuốn sách ra mắt vào hôm nay, 2.10.
Động lực nào và có điều gì thú vị để anh viết ra cuốn sách này?- Đây là một cuốn sách tập hợp ghi chép, ảnh mà tôi đã thực hiện trong 3 chuyến đi về những giải bóng đá lớn trên thế giới đó là Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012. Với 3 chuyến đi này tôi đã đi qua khá nhiều nước, trong đó có Áo, Thụy Sĩ, Ý, Nam Phi, Ukraine…
Nhiệm vụ chính của tôi trong những chuyến đi là viết bài, chụp ảnh, quay phim về bóng đá, tuy nhiên tôi không chỉ quan tâm có vậy, mà mỗi chuyến đi đó, điều tôi quan tâm tìm hiểu là số phận con người ở nơi đó.
Chính vì vậy, cuốn sách giống như nhật ký báo chí, nó khắc họa những chân dung, những số phận. Đó có thể là những người nông dân, những người bị AIDS, những cô gái điếm khát khao đi tìm một tấm chồng người nước ngoài để mong đổi đời qua giải bóng đá đó…
Bìa cuốn sách “Phút 90++” (trái) và nhà báo Trương Anh Ngọc trong chuyến đi tác nghiệp tại EURO 2012.
Có thể nói đó là những chuyến đi đầy thú vị chứ không nhọc nhằn bởi công việc?- Những chuyến đi của tôi, có thể nói là tổng hợp của tất cả các phương tiện giao thông để tôi có thể thâm nhập, la cà trên mọi nẻo đường, mọi ngóc ngách, ngõ, phố… Có những lúc tôi đi bộ, lang thang ở các khu phố, có lúc tôi lại đi bằng taxi, tàu hỏa, ở toa hạng bét để được ngồi cùng dân nghèo khó xem họ sinh hoạt như thế nào.
Và thậm chí có những chuyến tôi chui vào một quán bar toàn gái múa thoát y rất nhớp nhúa, hay có những lúc tôi đã chui vào những hầm mỏ ở Ukraine. Nói theo kiểu văn chương, thì những chuyến đi đó của tôi, dường như là tôi đã sống cùng nhân vật vậy, qua những chân dung, phần nào bạn đọc có thể hình dung được đất nước con người nơi đó.
Tóm lại, “Phút 90++” không phải là một cuốn du ký, không hẳn là cuốn sách về du lịch, lại càng không phải cuốn sách của dân đi phượt. Tôi không bao giờ viết sách theo kiểu đi phượt.
Tại sao anh có vẻ “dị ứng” với từ “phượt” như vậy?- Bởi đối với tôi viết theo kiểu đi phượt là tầng thấp nhất của những chuyến đi, tôi không thích kể lể những chặng đường này đi khó thế nào, cung đường này đẹp ra sao, rồi thì ăn chỗ nào ngon, ngủ chỗ nào rẻ, chỗ này hay, chỗ kia không hay…
Tôi không phải dân phượt, đi theo kiểu phượt, tôi là một phóng viên, được cơ quan cử đi để tác nghiệp về bóng đá. Tuy nhiên tôi cũng không nhìn theo chiều hướng của phóng viên viết về thể thao, mà tôi nhìn theo cách của một phóng viên thời sự quốc tế.
Như đã nói ở trên, cái tôi quan tâm là những câu chuyện bên ngoài của bóng đá, những góc tối mà camera không thể lia tới được. Vì vậy sách tôi không phải sách chỉ dẫn cho dân phượt, mà sách của tôi là để hướng tới độc giả trẻ, với khẩu hiệu: Không phải làm tất cả mọi thứ để mà đi, và đi theo mọi giá để chứng minh mình là ai, là cá nhân, một người hùng nào đó.
Điều anh muốn gửi gắm đến độc giả thông qua tác phẩm của mình là gì?- Điều tôi muốn nhắn nhủ đến giới trẻ là nếu đã đi thì nên đi bằng tri thức, tức là trước khi bắt đầu hành trình của mình, hãy lên kế hoạch, rằng mình sẽ đến đâu, ở đó có gì… và mình cần phải chuẩn bị cho mình một nền kiến thức cơ bản ở nơi mình định đến.
Ví dụ khi tôi sang Nam Phi, tôi đã chuẩn bị cho mình tới 11 trang khổ A4 thông tin do Lãnh sự quán Italia cung cấp nói rất kỹ về những tình huống có thể xảy ra tại đây. Thậm chí chi tiết đến mức, nếu trong trường hợp mình gặp cướp tại Nam Phi, bạn không được phép nhìn thẳng vào mặt tên cướp, mà hãy cúi xuống đất. Bởi nếu nhìn thẳng vào mặt, hắn sẽ nghĩ rằng bạn đang cố nhớ mặt để sau đó báo cảnh sát và như vậy sẽ bị bắn ngay.
Một chút bên lề, khi ra mắt cuốn sách này, anh có lo sợ sẽ bị cư dân mạng săm soi, “ném đá” giống như một tác giả khác?- Đấy là người đi theo dạng phượt mà bất cứ ai cũng có thể đi được. Còn với tôi, là do cơ quan cử đi làm, có hộ chiếu công vụ. Tôi đến các nước với tư cách của người phóng viên, có tên tuổi, chức danh đàng hoàng. Một điều nữa là, tôi đã từng đi nhiều nước, nên kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm đi nước ngoài tương đối nhiều nên nếu có ai đó săm soi, “ném đá”, tôi cũng không sợ, và cũng chẳng ngại.
Còn nếu đúng ra để bán được sách dễ lắm, chỉ cần tạo ra một vài scandal là bán được ngay mà không ai có thể kiểm chứng được. Nhưng với tôi, tôi có tên tuổi, có danh dự nên tôi không thể làm thế được, mà tôi nói rồi, tôi không phải dân phượt, càng không viết theo kiểu phượt, vì vậy tôi đâu có nhu cầu bán sách.
Xin cảm ơn anh!