Sau khi nhận được Văn bản số 16/TTTVPL của Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam gửi đến đề ngày 7.11.2013 đề nghị xem xét lại vụ án Hàn Đức Long theo trình tự giám đốc thẩm, Văn phòng Chủ tịch nước đã chuyển nội dung đề nghị đến Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Như đã thông tin, theo hồ sơ vụ án, khoảng 19h ngày 26.6.2005, vợ chồng anh Sơn, chị Liễu (đăng ký thường trú tại huyện Tân Yên - Bắc Giang) không thấy con gái Nguyễn Thị Yến (sinh năm 2000) ở nhà, nên đã đổ xô đi tìm. Sáng hôm sau, có người phát hiện xác của cháu Yến tại mương nước ngoài đồng. Khám nghiệm hiện trường và tử thi cho thấy âm đạo cháu bị rách.
Sau gần 4 tháng không tìm ra thủ phạm, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Bắc Giang tạm đình chỉ điều tra vụ án và kêu gọi dân tố giác tội phạm, trình báo việc trước nay có ai bị hiếp dâm hoặc biết được hành vi tình dục bất thường của ai đó thì báo.
Sau đó, CQĐT nhận được đơn tố cáo của bà Ngô Thị Khuyến (SN 1930) và con gái của bà Khuyến là Trương Thị Năm (SN 1960) đều tố cáo bị ông Long về hành vi hiếp dâm (hai người này từng có mâu thuẫn tranh chấp đất đai với ông Long). CQĐT lập tức bắt giam ông Long để điều tra. Trong quá trình hỏi cung, bị can Long thú nhận hành vi hiếp dâm mẹ con bà Khuyến cùng việc hiếp dâm và giết hại cháu Yến.
TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm tuyên Hàn Đức Long án tử hình, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xử phúc thẩm tuyên y án tử hình. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm đã quyết định hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại từ đầu. Đến năm 2011, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần hai và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xử phúc thẩm lần hai vẫn giữ nguyên phán quyết tử hình đối với Hàn Đức Long.
Hồ sơ điều tra thể hiện bị cáo đã nhận tội nhưng tại các phiên tòa, bị cáo Long đều chối tội và khai bị đánh đập, bức cung. Đáng chú ý, vụ án xảy ra vào năm 2005 nhưng đến khi phải điều tra lại vào năm 2011 thì bị hại Trương Thị Năm cùng Trương Văn Sáu (con trai bà Khuyến) đã xin rút đơn đề nghị xử lý ông Long.
Cùng diễn tiến sự việc, bà Nguyễn Thị Mai, 43 tuổi, trú tại thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Tân Yên - Bắc Giang là vợ của bị án Hàn Đức Long cũng đã gửi đơn đến báo Dân trí đề nghị làm rõ hung thủ thực sự gây nên cái chết của cháu Yến vào ngày 26.6.2005 theo đúng quy định pháp luật.
Bà Mai cho rằng: “Khi phiên toà được xét xử, mặc dù chồng tôi không nhận tội nhưng cả 2 phiên toà sơ và phúc thẩm lần đầu vẫn tuyên ông ấy mức án tử hình. Đến ngày 29.7.2009, TAND Tối cao đã ra Quyết định Giám đốc thẩm vụ án số 09/2009/HS-GĐT tuyên huỷ 2 bản án đã xử trước đó”.
Theo bà Mai, sau khi xét xử lại từ đầu vụ án, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang đã không điều tra, thu thập được chứng cứ mới trong vụ án theo yêu cầu của cấp Giám đốc thẩm về 6 nội dung liên quan nhưng họ vẫn tuyên án tử hình dành cho chồng bà là Hàn Đức Long.
Ngoài ra, bà Mai cũng khẳng định thêm rằng, khi tiếp xúc với luật sư trong trại giam và tại phiên tòa Long khai báo đã bị cán bộ điều tra đánh đập khiến Long phải khai nhận theo những nội dung cán bộ điều tra đọc cho để viết.
Trao đổi với PV về tình huống vụ án, vợ chồng anh Nguyễn Đình Sơn - Đoàn Thị Liễu (bố mẹ của nạn nhân Yến ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết, sau khi toà án tuyên ông Long có tội thì gia đình biết vậy. Tuy nhiên, cho đến tận thời điểm này, gia đình bị hại vẫn chưa hề nhận được một đồng tiền nào cho việc đền bù những tổn thất sau khi vụ án mạng kinh hoàng xảy ra.
“Gia đình luôn mong muốn các cơ quan pháp luật làm rõ vụ án, xét xử đúng người, đúng tội trong vụ án con tôi bị sát hại năm 2005” - chị Đoàn Thị Liễu nói.
Cho biết quan điểm của luật sư trong vụ án này, bà Vũ Thị Nga - Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam - đã cho rằng: “Cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cụ thể là trong quá trình điều tra thì phía công an lại cho Hàn Đức Long gặp đại diện gia đình bị hại ngay tại trong trại tạm giam để bị hại cam kết không gây thù oán, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của gia đình ông Long (theo bút lục 80,81 và bút lục 1272, 1368 có trong hồ sơ vụ án)”.
Theo luật sư Nga, việc phía công an cho ông Nguyễn Văn Báu (bác ruột bị hại) vào trại giam để cam kết, thoả thuận nêu trên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Trước đó, vào ngày 7.11, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã gửi bản đề nghị viết tay đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với nội dung: “Tiếp nhận nội dung của các luật sư Liên đoàn Luật sư Việt Nam về vụ án Hàn Đức Long theo trình tự giám đốc thẩm phản ánh về vụ án này, toà xử không đúng (giống vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang vừa rồi). Các luật sư cho rằng, toà xử có nhiều sai trái, thậm chí có hiện tượng ép cung, dùng nhục hình dã man. Tôi đề nghị Chủ tịch chỉ đạo toà án thẩm tra lại, tránh oan sai đối với người vô tội”.