Dân Việt

Diện mạo mới cho nghề đúc đồng

29/12/2010 10:27 GMT+7
(Dân Việt) - Vừa qua, Tổng cục Dạy nghề, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Công ty TNHH Phú Mỹ Lộc tổ chức dạy nghề đúc đồng cho 26 học viên đến từ Hà Nội, Nam Định, Đồng Nai.

img

Thực hành làm tranh đồng ở Công ty TNHH Phú Mỹ Lộc.

Đây là một trong những lớp học được kỳ vọng sẽ đem lại một diện mạo mới cho nghề đúc đồng.

26 học viên là 26 hoàn cảnh, số phận, tính cách khác nhau nhưng có một điểm chung dễ nhận thấy ở họ là khát vọng được học nghề, khát vọng được thể hiện mình, khát vọng cống hiến.

Em Nguyễn Đức Việt, 16 tuổi (Đồng Ngô, Giao Thủy, Nam Định) cho biết: "Quê em bao đời nay vẫn sống bằng nghề làm ruộng, làm ăn càng ngày càng khó khăn, làm quần quật cả năm trời mà nghèo vẫn cứ hoàn nghèo. Được cử đi học nghề đúc đồng, em sẽ cố gắng học thật giỏi để mang những kiến thức đã học về phát triển kinh tế ở quê mình".

Anh Huỳnh Văn Thế Ngọc, 28 tuổi (huyện Là Ngà, Đồng Nai) tâm sự: "Nhìn thấy cảnh vợ con nheo nhóc, cuộc sống chỉ dựa vào mấy tấc đất mình hạ quyết tâm đi học nghề. Hy vọng trong 5 tháng học nghề này mình sẽ cố gắng thu lượm đủ kiến thức về quê mở xưởng, tạo việc làm cho bà con".

Ông Nguyễn Tấn Thỉnh, nghệ nhân đúc đồng, Giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ Lộc cho biết: "26 học viên có mặt trong buổi khai giảng ngày hôm nay được tuyển chọn từ 3 địa phương là Hà Nội, Nam Định, Đồng Nai. Tại đây, các học viên sẽ được đào tạo ba nghề là đúc đồng, gò thúc tranh đồng, chạm khảm tam khí, tranh tượng mỹ nghệ.

Trong khóa học kéo dài từ ngày 23 - 12 đến 23 - 5 - 2011 với 132 buổi học, các học viên sẽ được đào tạo những kiến thức cơ bản, những kỹ năng của nghề. Sau khi khóa học kết thúc, các học viên sẽ trở về các địa phương để tham gia dạy nghề cho nông dân ở địa phương mình".

Hiện nay các làng nghề đúc đồng trong nước chỉ đáp ứng được gần 20% nhu cầu của thị trường trong nước. Các sản phẩm trên thị trường hiện nay chủ yếu là các sản phẩm nhập ngoại. Ông Thỉnh nói: "Chúng ta có thừa khả năng để làm ra những sản phẩm như vậy.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chúng ta phải nhập khẩu một số lượng lớn các sản phẩm của nước ngoài là do chúng ta thiếu nhân công, thiếu những người biết làm nghề". Để các làng nghề có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đồ đồng thì nhu cầu dạy nghề cho nông dân, những người sống trong làng nghề, có nhu cầu học nghề là một điều hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Tấn Thỉnh cho biết: "Trong thời gian học nghề tại Công ty TNHH Phú Mỹ Lộc, học viên được bao ăn, bao ở, mỗi tháng được công ty trợ cấp cho 1 triệu đồng. Kết thúc khóa học, học viên nào có nhu cầu làm việc tại công ty, công ty sẽ tiếp nhận các em về làm việc.

Nếu các em trở về quê mở xưởng, làm nghề thì Công ty TNHH Phú Mỹ Lộc sẽ cam kết chịu trách nhiệm cung cấp nguyên vật liệu, tư vấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho những học viên này".