Dân Việt

Huyện Phú Xuyên: Đột phá vào dồn điền đổi thửa

Hữu Thông 08/11/2013 08:35 GMT+7
Đẩy mạnh cơ giới hóa trên cơ sở quy hoạch lại ruộng đồng, trong đó lấy dồn điền đổi thửa là khâu đột phá, từng bước hoàn thành công cuộc xây dựng NTM đang là hướng đi quan trọng của huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Xã điểm đi lên từ 1 tiêu chí

Đại Thắng là xã đa nghề, với 90 cơ sở sản xuất và 5 doanh nghiệp lớn, cách trung tâm TP.Hà Nội gần 30km về phía Nam. Đây cũng là xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM ) của huyện Phú Xuyên, với tổng diện tích tự nhiên là 409ha, trong đó đất nông nghiệp là 298ha. Hiện xã có 4 thôn với 1.667 hộ, 6.565 khẩu. Theo ông Phạm Văn Hùng- Chủ tịch UBND xã Đại Thắng, ngay sau khi đề án xây dựng NTM của xã được thành phố phê duyệt, xã đã chủ động thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm là dồn điền đổi thửa (DĐĐT) và lập quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch sử dụng đất. “Khi bắt tay vào xây dựng NTM điểm xuất phát của chúng tôi rất thấp, chỉ đạt 1/19 tiêu chí. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm tập trung thực hiện chương trình, đến nay chúng tôi đã đạt và cơ bản đạt 17/19 tiêu chí”- ông Hùng cho biết.

Quá trình cơ giới hóa ở xã Đại Thắng thuận lợi nhờ làm tốt công tác DĐĐT.
Quá trình cơ giới hóa ở xã Đại Thắng thuận lợi nhờ làm tốt công tác DĐĐT.

Để tiếp tục hoàn thành công cuộc xây dựng NTM và duy trì bền vững các tiêu chí đã đạt được, trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền xã Đại Thắng sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống cũng như các nghề hiện có; đồng thời đột phá vào cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chú trọng đến sản xuất lúa hàng hóa. Trên thực tế, hiện nay thu nhập từ sản xuất kinh doanh - dịch vụ làm nghề của Đại Thắng chiếm 75% thu nhập toàn xã. Về sản xuất nông nghiệp và cơ giới hóa, đến vụ xuân và vụ mùa 2013, xã đã sử dụng mạ khay để cấy bằng máy cho 30% diện tích lúa...

Gắn dồn điền đổi thửa với vùng chuyên canh

Trước đó, từ năm 2001, UBND huyện Phú Xuyên đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về DĐĐT với mục đích tích tụ đất đai, làm nền tảng cho việc quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh cho giá trị kinh tế cao.

Tính đến tháng 10.2013, bên cạnh xã điểm Đại Thắng đạt và cơ bản đạt 17/19 tiêu chí thì trên địa bàn huyện đã có 11 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 14 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí. Hiện, Phú Xuyên đã đưa cơ giới hóa vào các xã Đại Thắng, Hoàng Long, Văn Hoàng và đang tiếp tục mở rộng ra nhiều xã khác.

Vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, đến đầu tháng 11.2013, UBND huyện đã phê duyệt phương án DĐĐT cho 26 xã, 129 thôn với diện tích hơn 8.862ha, bằng 91,37% diện tích ruộng phải dồn. Tổng số thửa sau dồn đổi là 72.059 thửa, bình quân từ 1-2 thửa/hộ.

Trong đó, 10 xã đã hoàn thành công tác DĐĐT là Quang Lãng, Văn Hoàng, Phú Túc, Tri Trung, Tân Dân, Đại Thắng, Chuyên Mỹ, Bạch Hạ, Nam Triều, Châu Can.

Ông Nguyễn Đình Chiêu- Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên nhấn mạnh, để công tác DĐĐT thành công, quá trình thực hiện cần phải dân chủ, công khai để nhân dân cùng bàn bạc. Trên cơ sở đó, DĐĐT sẽ góp phần hình thành các vùng chuyên canh, thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho giá trị kinh tế cao, đem lại lợi ích cho người dân.