Ủy ban Dân tộc (UBDT) vừa tổ chức Hội nghị giao ban báo chí quý III/2013 về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015, theo Quyết định 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Chu Tuấn Thanh - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền UBDT, là cơ quan thường trực, thời gian qua, UBDT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường các thông tin từ cơ sở vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; định hướng, triển khai tuyên truyền về công tác dân tộc, các chương trình mục tiêu, chính sách dân tộc hiện nay;…
Số lượng tin, bài về các mô hình điển hình trong đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn ít.
UBDT đã đánh giá cao việc các cơ quan báo chí thực hiện QĐ 2472, tiếp tục có những cải tiến về nội dung và hình thức các ấn phẩm cho phù hợp với đối tượng bạn đọc là đồng bào DTTS; phản ánh kịp thời những khó khăn, bất cập trong mọi mặt đời sống sinh hoạt của bà con các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa; các bài viết thiết thực, hình ảnh sinh động, trình bày hấp dẫn, gần gũi với đời sống, sinh hoạt của người dân tộc, miền núi, cách viết ngắn gọn, dễ hiểu và dễ áp dụng đã thu hút độc giả là bà con các dân tộc.
Nhưng bên cạnh đó các ấn phẩm vẫn còn những hạn chế: Nội dung tuyên truyền còn dàn trải, chưa bám sát đời sống, nhu cầu của bà con dân tộc, miền núi; còn ít các tin, bài, các mô hình điển hình trong đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long; về chính sách cấp báo không thu tiền hiện nay ít được các báo đề cập, tuyên truyền; việc chuyển phát ấn phẩm báo chí đến các thôn bản miền núi xa xôi, vùng khó khăn vẫn còn chậm, chưa được cải thiện; nhiều địa phương cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên khó tạo cho người dân tiếp cận và đọc báo, làm ảnh hưởng tới việc khai thác, sử dụng các ấn phẩm báo chí đối với đồng bào vùng dân tộc, vùng khó khăn.
Vì vậy trong quý IV, các ấn phẩm báo chí thực hiện QĐ 2472 cần khắc phục những hạn chế trên, đồng thời hết sức tránh dùng các tít bài giật gân, hạn chế viết tắt, từ lóng để giúp đồng bào dễ đọc, dễ hiểu…