LTS: Vừa qua, một số học giả Việt Nam và thế giới đã đề nghị thành lập một công viên hòa bình trên biển khu vực quần đảo Trường Sa để bảo vệ các nguồn tài nguyên sinh vật biển của Biển Đông và thúc đẩy hòa bình giữa các quốc gia ven biển. Nhân sự kiện này, phóng viên NTNN đã phỏng vấn giáo sư Ian Townsend Gault (người Canada), thuộc khoa Luật, Đại học British Colombia.
Xin ông cho biết, nếu đề xuất xây dựng công viên hòa bình trên biển tại Trường Sa trở thành hiện thực, ý nghĩa của việc này là gì?- Ý tưởng về việc xây dựng một công viên hòa bình trên biển không phải là mới. Tôi biết nhà khoa học Lianna McManus, đến từ Đại học Philippines có tên tuổi đã viết một bài báo phác thảo ý tưởng thành lập công viên hòa bình trên biển vào đầu những năm 1990. Về cơ bản, ý tưởng này phục vụ cho việc bảo tồn sinh vật biển và du lịch sinh thái.
Chúng ta không nên quên rằng, các quốc gia liên quan đến Biển Đông đều đã tham gia Công ước về Đa dạng sinh học năm 1992. Điều này đòi hỏi họ phải có biện pháp để bảo vệ các khu vực đa dạng sinh học nhạy cảm trong và ngoài nước.
Do tầm quan trọng sinh thái của quần đảo Trường Sa và các hệ thống rạn san hô của Biển Đông nói chung liên quan đến việc hỗ trợ cho các quần thể cá và các nguồn tài nguyên sinh vật khác, chưa kể đến tiềm năng cho thu hoạch tài nguyên sinh vật, sẽ rất dễ dàng để lập luận rằng chúng ta đang phải đối phó với các khu vực đa dạng sinh học nhạy cảm và do đó, việc thành lập các khu bảo tồn biển là điều cần làm.
Nói cách khác, tôi cũng là một trong số những người ủng hộ ý tưởng này, muốn góp tiếng nói kêu gọi thành lập công viên hòa bình bảo tồn sinh vật biển. Điểm chính yếu của một công viên hòa bình trên biển là kiểm soát một cách chặt chẽ các hoạt động bị cấm: Hoạt động đánh bắt cá sẽ được kiểm soát chặt chẽ, việc thu hoạch san hô hoàn toàn bị cấm...
Tóm lại, ý tưởng về công viên hòa bình là rất hấp dẫn - hòa bình thay vì xung đột hay đối đầu - nhưng nó sẽ phải được xem xét theo một cách hợp pháp nhất.
Theo ông, Việt Nam sẽ gặp trở ngại nào nếu xây công viên hòa bình trên biển ở khu vực quần đảo Trường Sa?- Cũng có thể Việt Nam sẽ gặp một chút trở ngại hay gặp phải quan điểm đối lập, tuy nhiên điều này có thể khắc phục được. Việt Nam hoặc bất kỳ quốc gia nào có mong muốn xây dựng công viên bảo tồn trên biển đều cần phải dựa vào khái niệm và từ ngữ trong Công ước năm 1992 về đa dạng sinh học.
Nếu quốc gia nào đã làm điều này, họ có thể nói rằng họ chỉ thực hiện nghĩa vụ quốc tế và các quốc gia ven biển khác của Biển Đông cũng có thể làm như vậy. Trong một chừng mực nào đó, điều này làm gia tăng giá trị đạo đức của những người ủng hộ đề nghị thành lập công viên và cho thấy, những người phản đối ý tưởng này là vô trách nhiệm với hệ sinh thái biển, hoặc không thực hiện nghĩa vụ quốc tế theo Công ước năm 1992.
Chuyển quà tết từ đất liền ra đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa.
Chúng ta nên nhớ rằng, trong phần XII của Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) bắt đầu bằng cách xác định nhiệm vụ chung của các quốc gia để bảo tồn và bảo vệ môi trường biển.
Xin giáo sư phân tích rõ hơn việc xây dựng công viên hòa bình trên biển và luật pháp quốc tế?- Trên thế giới có rất nhiều ví dụ về việc xây dựng khu bảo tồn biển, nhưng tôi không biết trường hợp nào liên quan đến việc tranh chấp đảo.
Tuy nhiên, về giả thiết Việt Nam sẽ lập công viên hòa bình trên biển ở quần đảo Trường Sa, theo quan điểm của Việt Nam, đó là vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền Việt Nam một cách rõ ràng. Theo tôi, việc xây công viên này cũng là cách để Việt Nam nói với thế giới rằng, tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là rất nghiêm túc.
Những người có thời gian dài nghiên cứu như tôi cho rằng, dựa theo Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc, việc xây dựng công viên hòa bình trên biển để bảo vệ môi trường biển là hoàn toàn có cơ sở pháp lý. Nhưng nó không nên được coi như một phương tiện để các nước thúc đẩy hơn nữa việc tuyên bố chủ quyền mà quan trọng là thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ quốc tế để bảo vệ các đại dương và các nguồn tài nguyên biển.
Thưa giáo sư, Trung Quốc đang có tốc độ phát triển kinh tế và dân số rất nhanh, đòi hỏi nguồn năng lượng rất lớn từ biển. Trong khi đó, tại vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc đã có dấu hiệu cho thấy nguồn tài nguyên đang cạn kiệt dần. Phải chăng điều này là một trong những lý do khiến Trung Quốc đưa ra những đòi hỏi, yêu sách và hành động phi lý như đường lưỡi bò, quấy nhiễu tàu cá nước ngoài... ở Biển Đông? - Tôi không phân tích về những gợi ý mà bạn đưa ra trong câu hỏi này, nhưng tôi sẽ chỉ ra rằng, Trung Quốc đã theo đuổi tuyên bố chủ quyền theo cách của họ như việc đưa ra yêu sách đường lưỡi bò. Trong bản đồ, đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ không được giới luật gia công nhận. UNCLOS là một văn bản luật quốc tế hiện đại.
Một khi đã được phê chuẩn có nghĩa là Trung Quốc phải từ bỏ việc đòi chủ quyền trong phạm vi đường lưỡi bò. Chúng tôi mong rằng, những tranh chấp sẽ sớm được giải quyết theo đúng luật pháp quốc tế. Việt Nam được đánh giá đã theo đuổi con đường này một cách thông minh và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 5 do Học viện Ngoại giao tổ chức vừa qua, tiến sĩ Vũ Hải Đăng (Viện Nghiên cứu Biển Đông) đã có bài tham luận cho thấy, việc thiết lập một công viên hòa bình tại Trường Sa là một lựa chọn để thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). “Công viên hòa bình biển trong quần đảo Trường Sa có thể bảo vệ môi trường biển và tài nguyên sinh vật của quần đảo mà không ảnh hưởng đến quan điểm chính thức trong yêu sách của mình”- tham luận nêu rõ.
|
Tôi muốn nhấn mạnh, những quốc gia ven Biển Đông đều phải có trách nhiệm ngăn ngừa ô nhiễm. Tôi lấy ví dụ, những chuyến tàu chở dầu từ Trung Đông đi qua đây đã làm ô nhiễm nước biển ở vùng Biển Đông.
Ngoài ra, cần phải siết chặt hơn nữa những quy định cấm đánh bắt cá bất hợp pháp và không bền vững. Việc đánh cá bằng mìn đã phá vỡ các rạn san hô, chất độc cyanide đang làm tổn hại đến sinh thái khôn lường... Những điều này đều là vì lợi ích của các quốc gia ven biển.
Mặc dù giải pháp ngoại giao thời gian vừa qua đã làm dịu lại những căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, nhưng cho đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng phía Trung Quốc mới dừng ở lời nói, chưa có nhiều những hành động cụ thể. Theo đánh giá của giáo sư, động thái tiếp theo đây của Trung Quốc là gì? - Theo ý kiến cá nhân tôi, đang có sự khác biệt về suy nghĩ ngay trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc, giữa Bộ Ngoại giao và quân đội Trung Quốc. Tương tự như vậy, các chuyên gia ở Bộ Môi trường Trung Quốc và những người có liên quan trong ngành thủy sản cũng muốn tham gia vào cuộc tranh luận về những động thái tiếp theo Trung Quốc nên làm. Tuy nhiên, rất khó để đoán định một cách chính xác rằng, cách tiếp cận tiếp theo của Trung Quốc tại?Biển Đông sẽ như thế nào.
Xin cảm ơn giáo sư!