Dân Việt

Cuối năm “ấm bụng” với tôm

29/12/2010 12:29 GMT+7
(Dân Việt) - Bà con diêm dân phường 12, TP.Vũng Tàu đang hân hoan vì năm nay mô hình nuôi tôm luân canh trên ruộng muối vừa được mùa vừa được giá.
img
Mô hình tôm-muối thành công, mang lại thêm thu nhập 20-90 triệu đồng/ha cho diêm dân.

Tôm đạt mức 130.000 đồng/kg

Thả lưới bắt những mẻ tôm cuối cùng, ông Nguyễn Văn Tươi (phường 12) không giấu nổi niềm vui: "Đầu vụ giá tôm là 110.000 đồng/kg, giờ đã lên 130.000 đồng/kg, cao gấp đôi những năm trước. Tôm vừa đánh lên, lái đã tranh nhau vào tận đùng để gom hàng, nên thu hoạch tới đâu bán hết tới đó".

Để tôm đạt năng suất, ít dịch xảy ra dịch bệnh, thu hoạch xong vụ muối diêm dân phải cải tạo ngay đáy ao, làm giảm bớt độ mặn thì tôm mới sinh trưởng tốt. Bên cạnh đó, ao nuôi phải bảo đảm mực nước từ 70cm đến 1m, để giữ ổn định môi trường.

Ông Tươi tính: Vụ này thả nuôi 2ha, năng suất đạt 1,7 tấn/ha, giá bán bình quân 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi ròng 90 triệu/ha. Bà Phạm Thị Kim Oanh cũng cho biết, vụ này, hơn 1ha tôm nhà bà đạt năng suất 1,5 tấn, trừ chi phí lãi được 80 triệu đồng…

Đại diện các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cho biết, giá tôm sú tăng mạnh do sản lượng tôm nguyên liệu giảm, nguồn hàng cung cấp cho nhà máy còn ít, một số nhà máy do có hợp đồng nên đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu để xuất khẩu và dự trữ để chế biến sau khi vụ thu hoạch tôm kết thúc, trong khi đó nhu cầu tôm sú tiêu thụ nội địa cũng khá cao đã đẩy giá tôm nguyên liệu lên mức cao.

Mở rộng mô hình

Trong tâm trạng phấn khởi, nhiều diêm dân chia sẻ, những năm trước bà con chủ yếu sống bằng nghề làm muối nên khá bấp bênh. Nghề muối chỉ làm từ tháng 11 năm trước cho tới tháng 4 năm sau, hết vụ muối là ruộng bỏ hoang nên cuộc sống diêm dân rất khó khăn.

Từ năm 2005, sau khi Trung tâm Khuyến ngư (nay là Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư) thực hiện thành công mô hình nuôi tôm sú luân canh trên ruộng muối, nhiều diêm dân đã biết cách tận dụng, cải tạo ruộng muối sau khi hết vụ để nuôi tôm. Đến nay, phường 12 có khoảng 38 hộ thường xuyên nuôi tôm sú luân canh trên ruộng muối với diện tích hơn 60ha.

Ông Nguyễn Hoàng Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân phường 12 cho biết, lợi nhuận tùy vào kỹ thuật của từng hộ nhưng tính bình quân người nuôi đều có lãi từ 20-90 triệu đồng/ha. Đời sống bà con đỡ vất vả hơn so với khi còn "độc canh" với nghề làm muối.

Mô hình nuôi tôm sú mật độ 15 con/m2 trên ruộng muối do Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Bà Rịa-Vũng Tàu thí điểm thành công tiếp tục mở ra hướng đi mới không chỉ cho diêm dân phường 12, TP.Vũng Tàu mà tại các vùng nuôi tôm khác như xã Lộc An (huyện Đất Đỏ), xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc).

Để nuôi tôm luân canh trên ruộng muối được bền vững, người dân cần có kiến thức nhất định, không nên chạy theo lợi nhuận mà đầu tư nuôi trái vụ dễ xảy ra rủi ro. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm việc xả nước thải của các nhà máy chế biến hải sản xung quanh vùng nuôi, đảm bảo môi trường trong sạch cho vùng nuôi tôm.