Dân Việt

MDEC Vĩnh Long 2013: Hiến kế vì một nền nông nghiệp xanh cho ĐBSCL

Đức Khánh 27/11/2013 07:16 GMT+7
Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế - Xúc tiến đầu tư - An sinh xã hội vùng ĐBSCL (MDEC Vĩnh Long 2013), đã có nhiều hiến kế cho sự phát triển một nền nông nghiệp xanh tại khu vực này.
Ô nhiễm trầm trọng

Ngày 26.11, tại hội thảo “Phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh vùng ĐBSCL”, ông Nguyễn Anh Phong – Giám đốc Trung tâm Miền Nam (Viện Chính sách và phát triển nông nghiệp nông thôn) cảnh báo: “Ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp hiện đang tăng và có tác động tiêu cực đến chất lượng hệ sinh thái. Việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV quá mức còn khá phổ biến.

Ngoài ra, còn rất nhiều các phụ phẩm nông nghiệp khác không được sử dụng và thải ra môi trường. Riêng vùng ĐBSCL mỗi năm thải ra khoảng 39,4 triệu tấn rơm rạ, 2,47 triệu tấn ngọn, lá mía và 1,42 triệu tấn bã mía, chưa kể đến chất thải từ các nhà máy chế biến thủy, hải sản xuất khẩu”. Chỉ tính riêng ngành nuôi thủy sản ở ĐBSCL thải ra gần 500 triệu m3 bùn thải và chất thải thủy sản hàng năm. Nguồn chất thải độc hại này vẫn chưa được xử lý triệt để trước khi thải vào sông rạch trong khu vực.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh sẽ giúp đầu ra nông sản của nông dân được thuận lợi, dễ dàng.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh sẽ giúp đầu ra nông sản của nông dân được thuận lợi, dễ dàng.

Thông tin từ Viện Môi trường nông nghiệp cho biết: Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sau mỗi vụ nuôi cá tra, 1ha ao sẽ thải ra môi trường trung bình là 1.500m3 bùn thải (độ dày từ 10 – 20cm) với hàm lượng chất hữu cơ, tổng nitơ và photpho cao hơn so với đất thông thường. Theo dự báo, đến năm 2020, nếu sản lượng cá tra đạt 1,85 triệu tấn thì lượng chất thải ra tương ứng là 2,37 triệu tấn.

Về những tồn tại, thách thức liên quan đến việc tăng trưởng xanh ở ĐBSCL, GS - TSKH Trương Quang Học – Trung tâm Nghiên cứu TNMT, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Nhà nước chưa có một quy hoạch tổng thể cho toàn vùng cũng như cho từng lĩnh vực cụ thể. Vì vậy, quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ trong 2 thập kỷ gần đây ở ĐBSCL đã làm cho các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên bị suy giảm nghiêm trọng, tạo nên một sức ép rất lớn đến tài nguyên thiên nhiên, làm cho tài nguyên và môi trường ĐBSCL ngày một suy thoái hơn”.

Tổng rà soát các mô hình sản xuất

Theo TS Nguyễn Văn Hòa – Viện Cây ăn quả Miền Nam, để đảm bảo sản xuất xanh bền vững, việc liên kết lớn trong sản xuất, đặc biệt là liên kết vùng là hướng đi tất yếu phải được nghiên cứu thấu đáo và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, có kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm hàng năm. Đồng thời, việc nghiên cứu nắm rõ thị trường từ chủng loại, số lượng, thời gian cung ứng… giúp điều tiết tốt trong sản xuất sẽ là điểm mạnh cho việc sản xuất bền vững trong tương lai”.

TS Trần Ngọc Ngoạn – Phó Viện trưởng, Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp xanh ở ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung, cụ thể là: Xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh trong ngành nông nghiệp; lồng ghép nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh trong chương trình xây dựng nông thôn mới; giải pháp về khoa học – công nghệ và khuyến nông; giải pháp về vốn đầu tư và phát triển thị trường… “Thống nhất và lồng ghép phát triển bền vững sản xuất xanh – sạch vào quá trình tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cương quyết không hy sinh môi trường để tăng trưởng nhanh và công nghiệp hóa…” - ông Nguyễn Anh Phong đề xuất.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Để khắc phục được bất cập trong xây dựng phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, tạo sản phẩm sạch, an toàn, phát triển bền vững, Bộ NNPTNT đã định hướng một số giải pháp cho toàn ngành tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể là tổng kết rà soát các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn quốc gia. Trên cơ sở đó rà soát các tiêu chuẩn GAP, VietGAP, GlobalGAP, cánh đồng mẫu lớn… để chuẩn hóa thành các quy chuẩn quốc gia theo các tiêu chuẩn quốc tế, tạo cơ sở pháp lý buộc các cơ sở sản xuất nông nghiệp phải tuân thủ.

Cam kết khai tháctối đa lợi thế vùng


Chiều 26.11, tại hội trường UBND tỉnh Vĩnh Long, Diễn đàn hợp tác phát triển ĐBSCL 2013 đã thông qua Tuyên bố chung MDEC – Vĩnh Long 2013. Theo đó, với chủ đề “ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh”, diễn đàn đã tập hợp những sáng kiến để đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp thích hợp nhằ khai thác thác tối đa những tiềm năng của vùng theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường hợp tác kinh tế, trao đổi song phương giữa ngoại giao đoàn với lãnh đạo các địa phương, xây dựng các chương trình hợp tác nội vùng, liên vùng và hợp tác quốc tế.


Hội nghị đã thông qua quyết định trao quyền đăng cai MDEC – 2014 cho tỉnh Sóc Trăng. MDEC – Sóc Trăng 2014, dự kiến với chủ đề “ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, các hoạt động chính của diễn đàn sẽ diễn ra cùng với thời điểm tỉnh Sóc Trăng tổ chức các hoạt động nhân lễ hội Ok Om Bok.


Theo ông Trương Văn Sáu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, trong 2 ngày diễn ra MDEC – Vĩnh Long (ngày 25 và 26.11) đã diễn ra 5 hội nghị và 4 hội thảo với gần 4.000 lượt đại biểu tham dự. MDEC 2013 đã vận động được gần 720 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội của vùng ĐBSCL.
Đức Khánh