Dân Việt

Bế mạc kỳ họp đặc biệt quan trọng

Lương Kết 30/11/2013 08:05 GMT+7
Sau 40 ngày làm việc, chiều 29.11, Quốc hội đã họp phiên bế mạc. Trong kỳ họp dài nhất khóa XIII này, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thông qua.
Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

Sáng 29.11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua từng phần và toàn bộ Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, Điều 26 bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất, có hơn 92% số đại biểu (ĐB) tán thành; Điều 126 đất sử dụng có thời hạn, có hơn 90% số ĐB tán thành; Điều 166 quyền chung của người sử dụng đất, hơn 92% số ĐB tán thành và toàn bộ Luật Đất đai được 89,96% số ĐB tán thành. Có 20 ĐB không tán thành, 5 ĐB không biểu quyết.

Đây là bộ luật phải xem xét trong 3 kỳ họp, được nhân dân và cử tri rất quan tâm. Và ban soạn thảo cũng tiếp thu tối đa, đặc biệt là tiếp thu quyền sử dụng đất của người dân, giá đền bù, tái định cư cũng được tiếp thu rất triệt để.

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII được coi là kỳ họp “đặc biệt quan trọng” vì đã thông qua bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với nhiều nội dung tiến bộ hơn.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII được coi là kỳ họp “đặc biệt quan trọng” vì đã thông qua bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với nhiều nội dung tiến bộ hơn.

Có ý kiến đề nghị quy định làm rõ thẩm quyền cho phép thu hồi đất nêu tại các điểm trong khoản 1 Điều 62 của dự thảo luật để tránh tùy tiện trong thu hồi đất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý. Một trong những nội dung được tiếp thu, chỉnh lý quy định UBND tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ. Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

“Trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, UBND cấp tỉnh phải tổ chức lấy ý kiến và có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của người có đất thu hồi” – luật nêu rõ.

Luật cũng được bổ sung quy định về sự tham gia của cơ quan tư vấn giá đất trong Hội đồng thẩm định giá đất để đảm bảo sự khách quan. Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Căn cứ kết quả tư vấn giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình UBND cùng cấp quyết định.

Theo ĐB Trần Ngọc Vinh: Luật Đất đai (sửa đổi) được cử tri và nhân dân rất quan tâm. “Có đến 75 – 85% đơn thư khiếu nại tố cáo do đất đai. Khi thông qua Luật Đất đai, chúng tôi rất hy vọng nó sẽ giải quyết được những quyền lợi của nhân dân, và sẽ giải quyết được một cách cơ bản các đơn thư vượt cấp” – ĐB Vinh nói.

Kỳ họp đặc biệt quan trọng

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII chiều 29.11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trong. Quốc hội đã xem xét, thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014, những năm còn lại của kế hoạch 5 năm, nhiều nội dung khác về công tác lập pháp, giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng của đất nước.

“Trong điều kiện ngân sách khó khăn, Quốc hội đã quyết định giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết và kém hiệu quả; bố trí vốn bảo đảm tỷ lệ chi cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, cấp thiết; chấp nhận tăng bội chi ngân sách, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, có nhiều giải pháp quyết liệt để cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân – Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chiều 29.11, Quốc hội đã biểu quyết với số phiếu rất cao thông qua 4 nghị quyết là Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3.12.2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh; nghị quyết về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua; nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012; thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII.

Cùng với việc thông qua Hiến pháp, tại kỳ họp này Quốc hội đã xem xét, thông qua 8 luật và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Chánh án TAND Tối cao.

Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐB Quốc hội; các Phó Thủ tướng và nhiều bộ trưởng, trưởng ngành khác đã tham gia giải trình làm rõ thêm một số nội dung liên quan. Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu ý kiến của các vị ĐB Quốc hội, có kế hoạch triển khai thực hiện những điều đã cam kết trước Quốc hội và đồng bào, cử tri để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau.

“Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao trước nhân dân và với những đóng góp tích cực, trí tuệ của các vị ĐB Quốc hội, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng đồng bào và cử tri cả nước” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan: Không khí dân chủ cởi mở


Điểm nổi bật đầu tiên của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII là không khí dân chủ cởi mở. Các ĐB Quốc hội đã thể hiện được ý chí và nguyện vọng của toàn dân, thông qua việc góp ý vào những báo cáo của Chính phủ, tham gia vào các dự án luật. Tôi đánh giá những nội dung của kỳ họp đã được hoàn thành tốt đẹp. Có lẽ, chúng ta đều rất phấn khởi vì những vấn đề lớn, có tính chất trọng tâm của kỳ họp đều được hoàn thành tốt. Ngoài những dự thảo luật thì lần này Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua trong một không khí hết sức dân chủ và công khai, với một tỷ lệ rất cao 97,59%. Nó chứng tỏ bản Hiến pháp này đã được chuẩn bị rất công phu và tập trung được trí tuệ của toàn thể nhân dân. Tôi cũng rất tin tưởng, sau khi Hiến pháp sửa đổi ra đời, Việt Nam sẽ có những đổi mới, đặc biệt là an ninh chính trị được giữ vững, ổn định.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Cần thay đổi cách tổ chức chất vấn


Khi các cuộc chất vấn trước Quốc hội đề cập những vấn đề lớn nên để Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực, hoặc Thủ tướng Chính phủ giải đáp, các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan thì chỉ cần giải đáp hỗ trợ. Còn việc chất vấn từng bộ trưởng, trưởng ngành về các vấn đề nóng nên thực hiện luôn trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa 2 kỳ họp hoặc theo nhiều hình thức khác. Còn hiện tại, việc chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành ở Quốc hội vẫn khiến khán giả, cử tri và nhân dân cả nước cảm thấy gờn gợn vì thấy tình trạng lảng tránh. Việc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thể hiện cơ chế chất vấn chưa hợp lý, việc lựa chọn nội dung chất vấn cũng chưa hợp lý. Cụ thể, có những vấn đề đang là nỗi bức xúc của xã hội, nhưng người dân lại không thấy tư lệnh ngành đó đăng đàn trả lời chất vấn. Theo tôi nên thay đổi cách tổ chức chất vấn, làm sao đáp ứng được mong muốn của cử tri một cách tối đa.


ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh): Đạt được những điểm chung nhất


Nếu nói là thỏa mãn hết thì chắc là chưa, nhưng theo tôi kỳ họp đã đạt được những điểm chung nhất và có thể giải quyết được cơ bản vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Cũng có thể nói khái quát là, những điều quan trọng nhất mà có thể sửa đổi được, có thể bổ sung được thì đã được sửa đổi, bổ sung trong các dự án Luật lần này.
Ngọc Lương (ghi)