"Nhà 167" của gia đình anh Kpă Bông ở xã Albá, huyện Chư Sê. |
Ông Kpă Yang - Bí thư Đảng uỷ xã Albá cho biết: “Hai năm qua, Chương trình 167 của Chính phủ đã hỗ trợ cho người dân trong xã làm được gần 30 căn nhà. Ngay từ khi có chủ trương, chúng tôi họp bí thư chi bộ, các ban, ngành, già làng trong thôn để quán triệt; sau đó, hướng dẫn các thôn, làng họp dân để bình chọn; gia đình nào khó khăn nhất được làm nhà trước. Thanh niên trong làng đào móng, chuyển cát, chở vật liệu, giúp thợ xây nhà đến khi bàn giao luôn".
Chủ trương hợp lòng dân
Lập gia đình năm 2008, vợ chồng anh Kpă Bông và chị Rơ Châm Bă (dân tộc J'rai) ở làng Dua, xã Albá, huyện Chư Sê được bố mẹ chia cho một mảnh đất liền kề để tách hộ ở riêng, nhưng anh chị chỉ dựng được túp lều chật chội.
Gia đình anh được nhà nước hỗ trợ 8 triệu đồng, Ngân hàng CSXH cho vay 8 triệu đồng để làm nhà theo Chương trình 167 của Chính phủ. Cùng với sự giúp đỡ của dòng họ và bà con trong làng, gia đình anh đã có một căn nhà kiên cố, rộng rãi.
Tuy nhiên, gia đình anh Kpă Bông chỉ là một trong số ít những hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở gặp may mắn vì được triển khai ở thời kỳ đầu của đề án. Gần đây, Chương trình 167 ở Gia Lai gặp lúng túng, thậm chí ách tắc.
Khó chạy theo giá
Giữa năm 2008, UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt đề án hỗ trợ người nghèo làm nhà ở, với tổng số gần 11.000 căn. Năm 2009 chương trình mới chính thức được triển khai. Tuy nhiên, cuối năm 2010, toàn tỉnh mới thực hiện được khoảng 4.000 căn, chưa được 40% so với đề án.
Ông Trần Ngọc Hoàng - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Chư Sê cho biết: 50 căn nhà triển khai giai đoạn đầu, với định mức hỗ trợ từ 17-18 triệu đồng, còn có thể làm được vì giá vật liệu thấp. Gần đây, hầu hết giá vật liệu xây dựng tăng cao. Cát xây dựng phải xuống tận Ayun Pa hoặc lên Kon Tum mua, khi về đến công trình giá chênh lệch 4 lần (hiện 160.000 đồng/m3). Thời gian qua, ngân hàng chưa có kinh phí cho hộ nghèo vay theo kế hoạch phân bổ nên nhiều công trình dang dở.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Văn Thanh-thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Gia Lai cho biết: Việc thực hiện Chương trình 167 tại Gia Lai chậm do nhiều nguyên nhân. trong đó có nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH. Năm 2010, tỉnh Gia Lai lập kế hoạch xây hơn 4.000 căn nhà, nhưng gần hết năm ngân hàng mới chuyển vốn vay cho 2.500 căn. Cùng với đó là giá vật liệu xây dựng liên tục tăng nên sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.
Theo ông Lê Văn Chí - Giám đốc Ngân hàng CSXH Gia Lai, do giá vật liệu liên tục biến động nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và chất lượng công trình khiến hàng nghìn hộ nghèo vẫn chưa được thụ hưởng chính sách nhà nước một cách trọn vẹn.
Thanh Luận