Bộ GTVT đang cấp tập tìm giải pháp khắc phục tình trạng xuất hiện các vết hằn, lún mặt đường khi đường vừa được đưa vào sử dụng. Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, một lần nữa trách nhiệm của các chủ thể liên quan trực tiếp đến chất lượng công trình lại được bộ này đặt lên bàn “giải phẫu”.
Không đổ lỗi cho khách quanLần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng có văn bản đề nghị UBND của 3 địa phương phối hợp xử lý các chủ thể liên quan để chấn chỉnh chất lượng xây dựng các công trình giao thông. Đó là các chủ thể liên quan đến dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa. Danh sách các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp thực hiện dự án này đều được Bộ GTVT chỉ đích danh.
Những vết hằn, lún mặt đường xuất hiện trên một đoạn Quốc lộ 1 dù mới được đưa vào khai thác sau khi nâng cấp.
Nguyên nhân khiến hàng loạt cá nhân, tập thể bị Bộ GTVT yêu cầu xử lý, kiểm điểm trách nhiệm là những vết hằn, lún bánh xe xuất hiện trên những đoạn đường mới được làm xong. Viện Khoa học - Công nghệ GTVT đã tiến hành kiểm định và xác định nguyên nhân hư hỏng, hằn lún vết bánh xe mặt đường liên quan đến chất lượng công trình.
Cụ thể, kết quả cho thấy nhiều sai sót như nhiều vị trí thiếu chiều dày kết cấu; thành phần hạt, độ chặt, độ rỗng dư không đảm bảo; hàm lượng nhựa không đạt yêu cầu theo công thức phối trộn.
Cùng với việc kiểm điểm trách nhiệm, Bộ GTVT đã yêu cầu nhà thầu phải khẩn trương cào bóc, hoàn trả bằng bê tông nhựa theo thiết kế đối với những đoạn hằn lún vết bánh xe. Cần thực hiện ngay đối với những đoạn có chiều sâu lớn hơn 2,5cm để đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối.
Sau chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, Bộ GTVT đã cùng các chuyên gia tìm giải pháp nhằm triệt tiêu vết hằn lún xuất hiện tại các công trình giao thông. Các yếu tố kỹ thuật như nhựa đường, vật liệu đều được cân nhắc. Nhưng quan trọng hơn cả là mổ xẻ trách nhiệm của các chủ thể liên quan trực tiếp đến chất lượng công trình.
Chất lượng thi công có vấn đềÔng Nguyễn Văn Thành – Phó Viện trưởng Viện Khoa học- Công nghệ GTVT gọi hiện tượng hằn, lún mặt đường tại những tuyến đường vừa được làm xong “như có ma”. Theo ông Thành, có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên. Một là các xe ô tô quá tải lưu thông trên tuyến đường với yếu tố kỹ thuật thi công, vật liệu như hiện nay thì các vết hằn xuất hiện là “tất nhiên”.
Nguyên nhân tiếp theo, được ông Thành chỉ ra là chất lượng thi công, nhất là lớp bê tông nhựa chưa đảm bảo chất lượng. Viện Khoa hoc- Công nghệ GTVT đã tiến hành kiểm tra vết hằn lún tại dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa và nhận thấy ở một số đoạn cắt kiểm tra thì lớp móng đường không vấn đề, còn lớp bê tông nhựa lại bị biến dạng. Không chỉ có vấn đề ở giai đoạn thi công, ông Thành cũng cho biết từ khâu lập hồ sơ thiết kế bê tông nhựa chưa cao. Ông Thành cho hay: “Nếu tuyển chọn vật liệu, thiết kế nghiêm túc sẽ mất thời gian từ 1,5 – 2 tháng nhưng thường bị các bên liên quan rút ngắn xuống còn vài ngày”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT đã tổ chức hội thảo mang tính kỹ thuật cao để tìm nguyên nhân và giải pháp. Ngoài việc nhà thầu phải khắc phục ngay nếu để xảy ra hằn lún trên đường, Bộ GTVT đã yêu cầu trước khi trải thảm các tuyến đường phải thí nghiệm đầy đủ để đảm bảo chất lượng nhằm triệt tiêu vấn đề lún vết bánh xe mặt đường.
|
GS - TS Trần Thị Kim Đăng ở bộ môn Đường bộ thuộc Trường Đại học GTVT cũng nhận định hằn lún vệt bánh xe thời gian gần đây trở nên rất phổ biến với mức độ hư hỏng nghiêm trọng. Trong khi chưa thể tách bạch các nguyên nhân một cách rõ ràng cũng như hướng cải thiện vật liệu nhựa đường chưa đem lại hiệu quả, bà Đăng đề xuất: “Các giải pháp mang tính quản lý sẽ đóng vai trò then chốt”.
Ở vai trò của một chủ đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Long – Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 tỏ ra khá lúng túng trước “vấn nạn” hằn lún vệt bánh xe. Bởi việc xác định nguyên nhân, khắc phục vẫn chưa hiệu quả. Ông Long cho rằng: “Trước tiên nhà thầu phải chịu trách nhiệm về tài chính để khắc phục, sau đó kiểm điểm lại vấn đề con người, sử dụng con người”.