Xã hội đồng tình
Không đe dọa, không cần phản kháng của nạn nhân, khi muốn cướp, băng nhóm này thẳng tay chém vào những chỗ trọng yếu trên cơ thể nạn nhân. Những hành động máu lạnh này đã gây hoang mang cho xã hội trong một thời gian dài. Ban đêm, phụ nữ không dám đi xe máy qua những quãng đường vắng. Không ai dám mang nữ trang trên người khi ra đường... Thật khó hình dung nổi trong xã hội hiện nay vẫn còn tồn tại những băng cướp dã man, xem thường pháp luật đến như vậy.
Bạn đọc Hoàng Long nhận xét: Cướp đã đành rồi còn cố gây thương tật suốt đời cho nạn nhân và trấn áp người đi đường không dám giúp đỡ. Hãy nhìn vẻ mặt của những tên cướp này trước tòa xem: Lạnh lùng, không hề có ý ăn năn hối cải, hối hận với các bị hại, tỏ vẻ xem thường, thách thức luật pháp... Khoan hồng chỉ áp dụng đối với những người đáng được tha thứ và có khả năng hối cải. Còn như băng cướp này thả họ sớm ngày nào thì càng nguy hiểm cho xã hội ngày đó. Tử hình kẻ cầm đầu là mức án cần thiết.
“Trẻ tuổi, minh mẫn, có sức khỏe... nhóm thanh niên này còn may mắn hơn biết bao nhiêu người, nhưng không chọn cho mình cái nghề đàng hoàng để xây dựng cuộc sống ổn định. Ăn chơi trác táng, lười lao động nên nhóm này dễ dàng chọn con đường cướp giật để tiêu xài phung phí. Không thể biện minh cho hành động tàn bạo, xem thường tính mạng của người khác của băng cướp này nên bản án tử hình mới đủ sức răn đe” - bạn đọc Thanh Thế bày tỏ.
Rau nào sâu nấy
Hàng ngàn comment của bạn đọc bức xúc trước thông tin người nhà của Hồ Duy Trúc, kẻ cầm đầu băng cướp đại náo phiên tòa. Mẹ của Trúc đòi đánh luật sư, đòi giết nạn nhân... thậm chí cởi quần tại sân phòng xử. Còn chị của Trúc bù lu bù loa, hăm dọa mọi người và ném đá vào phòng xử... Ai mất người thân cũng rất đau đớn, nhưng không thể có những hành động, lời nói xem thường pháp luật như vậy.
“Ai biểu đeo hột xoàng đi xe tay ga chi cho nó chém...”, “Tao biết con tao bị tử hình thì tao chuẩn bị dao đâm chết con Thúy (nạn nhân bị nhóm của Trúc chặt tay cướp xe) tại tòa”... đây là câu nói của mẹ Hồ Duy Trúc sau phiên tòa. Với cách nghĩ như thế thì chẳng trách được Trúc chọn con đường tàn bạo để kiếm tiền.
Bạn đọc Ngọc Hồi cho rằng tội ác man rợ như thế tử hình là đúng để ngăn chặn. “Qua những gì mà thân nhân của bị cáo thể hiện tại tòa, cho thấy nhận thức pháp luật hạn chế của các bậc làm cha làm mẹ, sự nuông chiều con cái đã làm hại chính những đứa con mà họ sinh ra. Sự vô cảm của bà mẹ trước các nạn nhân của con trai mình đã phần nào giải thích được sự vô cảm của Hồ Duy Trúc đối với sinh mạng của các nạn nhân mà hắn cướp” - bạn đọc Ngọc Hồi nhìn nhận.
Bạn đọc Sao Mai cho rằng thông thường khi con mình đi cướp hay gây thương tích cho người khác, đến các phiên xử cha mẹ bị cáo sẽ xin lỗi nạn nhân, nhìn nhận lại cách dạy dỗ con cái của mình. Còn trường hợp mẹ của bị cáo Trúc thì hành xử như chính con mình là nạn nhân và đổ trách nhiệm cho các cơ quan chức năng, quy tội cho người bị hại... “Cây nào thì sinh quả đó”, người mẹ suy nghĩ như vậy thì hỏi làm sao con mình nên người, biết ăn năn hối cải.
“Đọc xong bài báo thấy ngán ngẩm cho lực lượng công an bảo vệ phiên
tòa, không có sự chuẩn bị bảo vệ kỹ càng cho phiên tòa xét xử băng cướp
tàn bạo, để cho người nhà của các bị cáo làm loạn như vậy thì còn đâu sự
nghiêm minh của công đường? Tại các nước, lực lượng cảnh sát phiên tòa
rất nghiêm khắc và sẵn sàng bắt giam những ai có hành vi lăng nhục bị
cáo, bôi nhọ phiên tòa” - bạn đọc Xuân Cường. “Toà án bị gây rối; nhân viên công lực thụ động... Hình ảnh rõ nét cho tình trạng pháp luật đang bị xem thường. Tại sao không có lực lượng trấn áp, giám sát khi xử các vụ án nghiêm trọng? Những kẻ gây rối này sẽ không dừng lại hôm nay, họ sẽ gây khủng hoảng tinh thần cho người bị hại và cả luật sư, thẩm phán. Cần phải đưa họ vào diện theo dõi chặt chẽ, ngăn ngừa tội ác tiếp tục diễn ra” - bạn đọc Hà Châu. |