Chiến hạm Rạng Đông- biểu trưng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã neo đậu trên dòng sông Neva êm đềm suốt hơn 100 năm qua. Đặc biệt, nơi đây vẫn còn lưu giữ bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và những nhà lãnh đạo khác của Việt Nam...
Phải mất 9 giờ đi tàu hỏa từ thủ đô Moscow (Nga), chúng tôi mới đến được thành phố cảng St Petersburg. Đón chúng tôi là Nhân Liên- cô bạn người Việt Nam có 13 năm học tập và sinh sống ở thành phố này. Nhân Liên từng là sinh viên khoa Tâm lý học của Trường Đại học Sư phạm St Peterburg, nhưng khi ra trường, cô đã đắm đuối với nghề hướng dẫn viên du lịch, bởi lịch sử hào hùng và đầy lôi cuốn của St Petersburg đã hút hồn cô đến kỳ lạ.
Lối kiểm tra an ninh trước khi lên tham quan chiến hạm.
Cả thành phố St Peterburg rộng lớn là vậy, nhưng mọi ngóc ngách Liên đều biết và hiểu tường tận từng chi tiết lịch sử của những di tích trong lòng thành phố. Nhân Liên nói: “Đến St Petersburg mà không thăm chiến hạm Rạng Đông, 3 Cung điện Mùa Đông, Mùa Hè, Mùa Thu là coi như chưa đến St Petersburg đấy nhé!”.
Cuộc hành trình bắt đầu với điểm đến là thăm chiến hạm Rạng Đông. Trước khi xuống xe, Liên không quên dặn dò: “Cẩn thận túi xách, nhiều người Việt Nam đã trở thành nạn nhân của bọn móc túi ở bến tàu này!”. Lời dặn dò của Nhân Liên chỉ được ghi nhớ trong khoảng vài phút đầu, sự đồ sồ, hoành tráng và có sức hút kỳ lạ, khiến bất cứ ai cũng cảm thấy choáng ngợp, nhỏ bé trước chiến hạm Rạng Đông, con tàu huyền thoại mà người Nga đã đóng từ thế kỷ 18 này.
“Chạm tay” vào lịch sửNhân Liên hướng dẫn chúng tôi đến mua vé để lên tham quan tàu. Con tàu khổng lồ song chỉ có một lối nhỏ dẫn lên, bởi đó cũng là cách để kiểm soát du khách chặt chẽ hơn. Sau khi mua vé với giá 245 rúp, chúng tôi được dẫn qua một vòng kiểm tra an ninh trước khi đi vào bên trong chiếm hạm. Với những người am hiểu tiếng Nga, khi vào tham quan chiến hạm sẽ phải trả thêm một khoản tiền dịch vụ cho người hướng dẫn bên trong, tuy nhiên chúng tôi đã có cô bạn Việt Nam làm phiên dịch nên đi đến đâu cũng được giới thiệu và tìm hiểu lịch sử cặn kẽ của chiến hạm bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
Các cửa hàng bán đồ lưu niệm ăn theo chiến hạm Rạng Đông.
Chúng tôi được đi qua nhiều căn phòng như phòng ăn, phòng tập, phòng từng lưu trữ vũ khí và cả khán phòng từng quy tụ một thủy thủ đoàn gồm khoảng 570 người. Dù đã 110 năm kể từ ngày ra đời, nhưng cơ sở hạ tầng bên trong chiến hạm vẫn còn rất kiên cố. Đâu đó có những vết sờn của thời gian, nhưng càng làm cho chiến hạm thêm sống động. Đi qua những căn phòng, được nhìn thấy nhiều kỷ vật của những người lính thủy, như có cảm giác mình đang được sống trong những thời khắc thăng trầm của chiến hạm này.
Chiến hạm Rạng Đông theo tên gọi của Nga là Aurora, mà bất cứ người dân cố đô St Peterburg nào cũng có thể kể vanh vách về những chiến tích hào hùng của chiến hạm huyền thoại này. Ngày 23.5.1887, Hải quân Liên Xô đã đặt lườn cho chiến hạm này tại nhà máy đóng tàu của Hải quân Nga ở St Peterburg. Đến ngày 11.5.1900, Hải quân Nga đã hạ thủy con tàu khổng lồ có trọng tải 6.731 tấn này và đến năm 1903, chiến hạm Rạng Đông chính thức đi vào hoạt động cho đến năm 1957.
Theo tài liệu lịch sử, Rạng Đông thuộc thành phần Hải đội 2 Nga tại Thái Bình Dương, hầu hết được rút ra từ Hạm đội Baltic Nga, được gửi từ biển Baltic đến Thái Bình Dương dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Rozhestvenski. Trên đường đi sang Viễn Đông, Rạng Đông từng chịu thiệt hại nhẹ do hỏa lực bắn nhầm từ đồng đội trong sự kiện Dogger Bank.
Vào các ngày 27 và 28.5.1905, Rạng Đông tham dự trận hải chiến Tsushima cùng với của Hải đội Nga. Dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Oskar Enkvist, Rạng Đông đã xoay xở thoát khỏi bị tiêu diệt như hầu hết tàu chiến của Hạm đội Nga, và cùng với hai tàu tuần dương khác rút lui được về cảng Manila trung lập.
Ngày 25.10.1917, trong cao điểm của cuộc Cách mạng Tháng Mười, việc từ chối thi hành một mệnh lệnh cho Rạng Đông ra khơi đã khai mào cho cuộc đấu tranh cuối cùng. Lúc 21 giờ 45 phút đêm hôm đó, một phát súng lệnh bắn ra bởi khẩu pháo trước mũi của tuần dương hạm Rạng Đông chính là ám hiệu để bắt đầu cuộc tấn công vào Cung điện Mùa Đông, địa điểm cố thủ của chính phủ cách mạng tư sản, dẫn đến hồi kết thúc của cuộc Cách mạng Tháng Mười.
Từ năm 1948, chiến hạm Rạng Đông được neo đậu trên sông Neva và trở thành một chi nhánh của Bảo tàng Hải quân Trung ương. Trong suốt thời gian còn hoạt động, chiến hạm Rạng Đông từng ghé thăm một số nước, trong đó có hai lần Rạng Đông từng neo đậu ở bến cảng Việt Nam.
Dấu ấn Việt Nam Chưa hết cảm giác lâng lâng và đầy khí thế trong không khí hào hùng của lịch sử nước Nga vĩ đại, chúng tôi lại trải qua cảm giác xúc động vô cùng khi được nhìn thấy bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và những nhà lãnh đạo khác của Việt Nam được ghi trong cuốn sổ lưu niệm của tàu.
Đã có rất nhiều người Việt đặt chân đến nơi đây và quen thuộc đến nỗi, ngay ở phía bên ngoài của bến tàu, những người chơi nhạc dạo cũng học thuộc lòng bài Quốc ca Việt Nam để thổi mỗi khi thấy du khách Việt đến đây.
Kể từ năm1956 đến nay đã có 28 triệu lượt khách tham quan tàu chiến Rạng Đông. Tháng tới, Rạng Đông sẽ được đưa về nhà máy đóng tàu St Peterburg để phục chế và chi phí ước tính lên đến 30 triệu USD.
|
Và không chỉ ngày nay, từ trong quá khứ, một phần đời của Rạng Đông trước Cách mạng Tháng Mười, Rạng Đông cũng đã 2 lần gắn bó với bờ biển của Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh Nga- Nhật (1904-1905), chiến hạm Rạng Đông đã tham gia trận hải chiến Tsushima với kết cục bi kịch cho quân Nga tại vùng biển Nhật Bản.
Còn trên đường tới Tsushima, Rạng Đông cũng như các tàu khác của hải đội Nga hoàng, đã neo lại ngoài khơi bờ biển Việt Nam trong suốt một tháng. Quãng thời gian này được mô tả kỹ trong những trang nhật ký thú vị của vị bác sĩ trên con tàu là Kravchenko và thuyền trưởng Egorev chỉ huy tàu tuần dương.
Nhật ký ghi rõ: “Rạng Đông” tiến vào vịnh Cam Ranh sáng sớm ngày 1.4.1905. Vịnh biển phương Nam khiến các thủy thủ xứ Nga ngỡ ngàng choáng ngợp vì sự rộng lớn. Rạng Đông đã đậu lại đó 12 ngày, luân phiên làm nhiệm vụ trực chiến trên biển, bốc dỡ than và thực phẩm, tuần tra tập luyện ngoài khơi.
Thuyền trưởng Egorev đã có mấy lần được lên bờ. Ở đó, ông nhìn thấy một ngôi làng nhỏ với những túp lều tường đất mái tranh, trông cảnh tượng rất khốn khổ. Thứ tô điểm duy nhất là hai chục cây dừa. Ven bãi biển rải rác mấy chiếc thuyền nan. Trong làng có một miếu thờ nhỏ...
Buổi sáng ngày 13.4, Rạng Đông rời vịnh Cam Ranh, chuyển sang vịnh Vạn Phong. Ngày 26.4, Rạng Đông tiến đến gần Côn Đảo. Chiến hạm Nga bắt đầu đậu ở bờ biển Việt Nam lần cuối.