“Mùa vàng”Có mặt tại thị trấn Nông Trường Mộc Châu, chúng tôi được chứng kiến cảnh đồng bào Mông địa phương đang tất bật bẻ ngô trên đồi. Những bắp ngô căng tròn, vàng óng được nhét đầy vào bao tải rồi chuyển xuống mé đường để thương lái cân đong, thu mua trực tiếp. Ở đây, bà con thường làm đổi công cho nhau nên có lúc, mấy chục người cùng bẻ một nương ngô, chỉ trong buổi sáng đã thu hoạch được vài tấn bắp.
Người dân ở xã Chiềng Khoang, Mộc Châu (Sơn La) thu hoạch và sử dụng máy tẽ ngô.
Bà Hà Thị Phương, dân tộc Thái ở xã Chiềng Khoa (huyện Mộc Châu) trồng hơn 40kg giống ngô DK 6919 vui vẻ nói: Năm nay ngô tốt lắm, bắp đều hơn nên năng suất cũng cao hơn. Bao nhiêu ngô bẻ xuống đều bán tươi cả cho thương lái, giá từ 3.000 – 3.700 đồng/kg, nhận tiền ngay nên chẳng phải lo nghĩ tới tách hạt, phơi sấy. Có tiền chúng tôi trả nợ cho các đại lý giống, phân bón, rồi tiếp tục mua giống trồng vụ mới. Nhờ trồng ngô, nhiều hộ trong xã đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi…
Theo bà Sa Thị Hân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Khoa, hiện hầu hết các hộ trong xã đều trồng ngô, bình quân mỗi hộ gieo 30kg giống (1ha hết khoảng 20kg giống), thậm chí có nhà gieo tới 200kg giống, trừ chi phí, các hộ thu lãi 50-60 triệu đồng/năm.
Bà Võ Thị Vân Anh- Trưởng phòng Kế hoạch đào tạo (Trung tâm Khuyến nông Sơn La) cho biết: Bây giờ bà con Sơn La không trồng ngô theo thời vụ rõ ràng như trước, mà cứ chỗ nào thu hoạch xong là người dân gieo ngay lứa ngô mới, không cho đất nghỉ. Vì thế mà có chỗ ruộng này đang thu hoạch, ruộng bên cạnh mới trổ cờ phun râu. Ngô Sơn La không chỉ trồng để lấy hạt, chế biến thức ăn chăn nuôi mà còn trồng với mật độ cao để làm thức ăn ủ chua cho bò sữa. Vùng nào là ngô hạt, vùng nào là ngô sữa đều được quy hoạch rõ ràng. Cây ngô không chỉ phủ kín khắp các thung lũng, đồi cao, mà còn được bà con tận dụng gieo trồng cả ở ven đường, ven suối. Tuy nhiên, khó khăn của các hộ trồng ngô hiện nay là không có nơi phơi sấy, bảo quản nên chủ yếu phải bán bắp tươi cho thương lái hoặc các lò tách hạt, lò sấy, do đó không chủ động được giá.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Sơn La và các khu vực lân cận đang có vài trăm lò sấy, đại lý thu mua và xay xát ngô. Chủ đại lý xay xát ngô Bàn Văn Tuấn, người Dao ở xã Tân Sơn (Mai Châu - Hòa Bình) cho biết, bình quân, mỗi ngày anh thu mua 50-60 tấn ngô, chủ yếu là từ vựa ngô Sơn La về để xay xát. Sau khi sơ chế, giá bán cho các thương lái mang về xuôi tiêu thụ thường đạt 5.000 - 5.300 đồng/kg, tùy chất lượng, độ ẩm. Theo ông Tuấn, vựa ngô năm nay cũng dễ mua do người dân phấn khởi vì được mùa, giá bán ổn định nên bà con ít cất trữ trong nhà.
Niềm vui được mùa ngô của những người dân ở Sơn La.
Ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho biết, do tăng cường thâm canh, sử dụng các giống ngô lai (hiện ngô lai đang chiếm tới 90% diện tích) nên năng suất ngô bình quân ở Sơn La đã tăng lên 8 lần so với năm 2009, đạt hơn 3 tấn/ha, cá biệt có khu vực thâm canh cao đạt tới 6-7 tấn/ha.
Giống ngô mới trên vùng đất ngôTrò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Văn Ka, số nhà 20, tiểu khu 20, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn), chủ đại lý cung ứng giống ngô cấp 1 lớn nhất Sơn La cho biết: Những năm gần đây, nông dân địa phương rất chịu khó tìm tòi, thử nghiệm các giống ngô mới nhằm thay thế giống ngô bản địa năng suất chất lượng thấp. Hiện, bộ giống ngô lai của Công ty Dekalb và Sygenta đang chiếm khoảng 80 – 90% cơ cấu giống ngô ở Sơn La. Mỗi năm, hệ thống đại lý của tôi (100 đại lý cấp 2 - 3 phân bố khắp tỉnh Sơn La – PV) bán ra khoảng 1.800 tấn ngô giống, trong đó giống của Dekabl đạt khoảng 1.200 tấn.
"Hiện Sơn La đang áp dụng bộ giống ngô mới, với khoảng 50 giống đã khảo nghiệm và đưa vào sản xuất, trong đó có 40 giống đưa vào sản xuất thường xuyên. Hàng năm, Sơn La tiêu thụ khoảng 50.000 tấn ngô giống, và chính những giống ngô lai mới này góp phần tăng năng suất”. Ông Hà Quyết Nghị
|
Ông Nghị cho biết thêm, tỉnh Sơn La đang định hướng cho các doanh nghiệp tìm những bộ giống tốt, chất lượng cao để nâng cao hơn nữa sản lượng ngô cho bà con, từ đó tăng thu nhập. Do vậy, rất cần có sự tham gia tích cực của các nhà khoa học và doanh nghiệp, đặc biệt là phải đẩy mạnh khâu khảo nghiệm.
Được biết, Công ty TNHH Dekalb đang là một trong những doanh nghiệp rất tích cực đầu tư cho công tác khảo nghiệm nhằm lựa chọn những bộ giống ngô mới chất lượng, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện khí hậu bất lợi, phục vụ tốt cho quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại Sơn La cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc. Bà Nguyễn Thị Hạnh Nguyên- Giám đốc kỹ thuật khu vực miền Bắc (Công ty TNHH Dekalb Việt Nam) cho biết, Dekalb đã và đang triển khai 30 điểm khảo nghiệm ở Sơn La. Tiêu chí chọn giống là phải cho năng suất cao, chất lượng; tính thích nghi rộng và ổn định. Theo đó, giải pháp chúng tôi đưa ra là trồng dày để tăng năng suất trên một đơn vị diện tích. Độ ẩm của hạt khi thu hoạch phải thấp, tỷ lệ tách hạt cao, màu sắc đẹp, dễ bảo quản và chế biến. Hiện, hầu hết các giống ngô lai của chúng tôi không những chịu trồng dày với mật độ cao nhất mà tỷ lệ tách hạt còn đạt tới 83%.
Thực tế sản xuất tại Sơn La cho thấy, từ khi áp dụng các giống ngô lai thế hệ mới, thu nhập của người trồng ngô cao hơn hẳn. Bà Sa Thị Hân cho biết, trước đây bà con thường gieo bằng giống ngô địa phương và giống thuần, diện tích cũng nhiều nhưng sản lượng và chất lượng ngô thấp, khiến giá bán bấp bênh. Vài năm gần đây, khi các doanh nghiệp đưa ngô lai vào sản xuất, sản lượng ngô của xã tăng lên rõ rệt, giá bán ổn định hơn, bà con yên tâm mở rộng diện tích nên nhiều hộ đã trở thành tỷ phú.