Dân Việt

Về đích “cải lão” vườn cà phê

Võ Khắc Dũng 02/09/2013 13:28 GMT+7
Bảo Lâm là huyện đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng (và có lẽ là cả Tây Nguyên) tuyên bố đến cuối tháng 8 đã hoàn thành chương trình cải tạo cà phê cả năm 2013 với tổng diện tích đã cải tạo là 1.650ha.
Bảo Lâm là một trong những vùng cà phê trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng; tuy nhiên, đây lại là vùng sâu vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên việc thực hiện tái canh cây cà phê tưởng chừng như rất khó khăn nhưng thực tế thì ngược lại.

Được thay bằng giống mới, nhiều vườn cà phê ở Bảo Lâm cho năng suất trên 5 tấn/ha.
Được thay bằng giống mới, nhiều vườn cà phê ở Bảo Lâm cho năng suất trên 5 tấn/ha.

Người dân đồng lòng hưởng ứng

Theo lộ trình đã vạch, từ 2013 đến 2015, huyện Bảo Lâm sẽ thực hiện tái canh hơn 4.600ha cà phê (trong tổng diện tích cà phê hơn 140.000ha hiện có của tỉnh Lâm Đồng thì huyện Bảo Lâm chiếm hơn 27.000ha), với tổng nguồn vốn để thực hiện dự kiến khoảng 850 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ngân hàng chiếm 600 tỷ đồng và vốn tự có của dân là 250 tỷ đồng. Kế hoạch cụ thể là trong năm 2013, toàn huyện Bảo Lâm sẽ được hỗ trợ ghép cải tạo cà phê 62ha và trồng tái canh hơn 90ha từ chương trình trợ giá cây giống và đề án nâng cao chất lượng giống cây trồng. Như vậy có thể thấy, 1.650ha cà phê của huyện Bảo Lâm vừa được cải tạo trong năm 2013 này đều có nguồn vốn từ ngân hàng và vốn tự có của dân với con số tổng ước khoảng 300 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm - ông Nguyễn Văn Triệu cho rằng, với Bảo Lâm, hiệu quả của chương trình cải tạo cà phê đã được chứng minh từ nhiều năm qua; người nông dân ở đây cứ nhìn vào vườn cà phê đã cải tạo của người khác để mà thực hiện đối với vườn cà phê của nhà mình. Thực tế trong những năm qua, chương trình cải tạo giống cà phê của Lâm Đồng (bắt đầu thực hiện từ 2007) đã được nông dân huyện Bảo Lâm hưởng ứng và đã mang lại kết quả nhìn thấy rõ. Theo Sở NNPTNT Lâm Đồng, riêng tại huyện Bảo Lâm, từ 2007 - 2012 đã có khoảng 10.000ha (trong tổng số hơn 27.000ha cà phê hiện có) đã được cải tạo. Nhờ đó, năng suất bình quân chung của huyện này từ dưới 3 tấn/ha năm 2007 nay đã được nâng lên trên 4 tấn/ha - cao hơn mức bình quân chung của tỉnh; trong đó có không ít hộ đạt những 6 - 7 tấn và trên 7 tấn/ha.

Vẫn còn chút trăn trở

Với tốc độ này, về lý thuyết mà nói thì hơn 4.600ha cà phê phải cải tạo trong các năm từ 2013 - 2015 là con số không quá lớn (trong 2 năm còn lại, trung bình mỗi năm chỉ cải tạo 1.500ha). Tuy nhiên, nói như một lãnh đạo huyện Bảo Lâm thì “cái khó của chương trình cải tạo cà phê ở Bảo Lâm từ nay trở đi là diện tích dễ cải tạo thì đã cải tạo trong vòng 7 năm qua rồi; bây giờ, diện tích cần tiếp tục cải tạo lại rơi vào những vườn cà phê của đồng bào dân tộc thiểu số”.

Tại thị trấn Lộc Thắng, hộ ông K’Kras (dân tộc Mạ) đã tiến hành cải tạo 0,4ha trong tổng số 1,3ha vườn cà phê của gia đình từ 2007 và sau 4 năm thâm canh, diện tích này đã cho năng suất hơn 4 tấn/ha.


Tính cả tỉnh Lâm Đồng, theo chương trình cải tạo cà phê đã được phê duyệt, từ nay đến 2015 có 23.000ha phải được cải tạo với tổng nguồn vốn cần có là 4.500 tỷ đồng (ngân hàng cam kết cho vay với lãi suất ưu đãi khoảng 70% tổng vốn). Như vậy, hơn 4.600ha cà phê cần cải tạo với nguồn vốn 850 tỷ đồng của huyện Bảo Lâm không phải là con số quá lớn. Với lại, tính cho đến lúc này, Bảo Lâm chỉ còn 3.000ha cà phê cần cải tạo với nguồn vốn khoảng trên dưới 500 tỷ đồng.

Các nhà chuyên môn tính toán: Với tỉnh Lâm Đồng, 23.000ha cà phê được cải tạo theo chương trình từ nay đến 2015 sẽ mang lại doanh thu mỗi năm 3.100 tỷ đồng. Từ đó mà suy thì 3.000ha còn lại trong tổng số hơn 4.600ha cà phê cần cải tạo trong giai đoạn 2013 - 2015 của huyện Bảo Lâm là hết sức bức thiết và đồng thời cũng hứa hẹn một nguồn lợi rất đáng kể về kinh tế. Tuy nhiên, như trên vừa nêu, với hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Bảo Lâm, không phải hộ nào cũng có đủ điều kiện về vốn đối ứng (30%) để vay vốn ngân hàng (70%) đầu tư cho cây cà phê. “Nếu vay vốn nhưng đầu tư không đúng mức vì thiếu nguồn đối ứng và đầu tư không đúng kỹ thuật vì trình độ thâm canh của bà con còn thấp thì sâu bệnh trên cây trồng sẽ nhiều; và như vậy hiệu quả kinh tế sẽ không cao!” - ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng phát biểu.