Dân Việt

Sẽ mạnh tay với xe quá tải

Minh Phong 07/11/2013 06:44 GMT+7
Hạ tải, phạt tiền, tước giấy phép lái xe (GPLX) những trường hợp vi phạm tải trọng xe là những biện pháp mạnh được áp dụng sau khi Tổng cục Đường bộ, các sở GTVT triển khai hàng loạt các trạm cân lưu động.
Tạm giữ 6.290 GPLX

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá: Việc triển khai thí điểm các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên nhiều tuyến quốc lộ trọng điểm đã góp phần hạn chế đáng kể số lượng xe ô tô vi phạm quy định về chở hàng quá khổ, quá tải. Tổng cục Đường bộ, các sở GTVT cùng các cơ quan chức năng đã tạm giữ 6.290 GPLX của các trường hợp vi phạm tải trọng khi lưu thông trên đường. Những biện pháp xử lý mạnh tay của các cơ quan chức năng được cho là có tác dụng răn đe đáng kể đối với các lái xe chở hàng quá tải.

Xe quá tải lưu thông trên đường (ảnh minh họa).
Xe quá tải lưu thông trên đường (ảnh minh họa).

Từ tháng 4 đến tháng 8, Tổng cục Đường bộ đã phối hợp với Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội và các địa phương là Hải Phòng, Hải Dương, Yên Bái, Lâm Đồng, Hà Tĩnh triển khai kiểm soát trọng tải xe. Các tuyến quốc lộ được bố trí các trạm cân lưu động gồm QL 5, 10, 18, 70, 20 và 1A. Tổng cục Đường bộ đã kiểm tra 3.368 xe, xử lý vi phạm 1.351 xe và xử phạt trên 1,4 tỷ đồng. Các trường hợp vi phạm tải trọng đều bị cơ quan chức năng yêu cầu hạ tải, thậm chí tạm giữ hoặc tước GPLX. Trong số các trường hợp vi phạm bị Tổng cục Đường bộ kiểm tra phát hiện đã có 745 trường hợp bị tạm giữ hoặc tước GPLX, hơn 7.000 tấn hàng hóa buộc phải hạ tải...

Cần chặn quá tải từ gốc

Ngày 5.11, tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi họp về kế hoạch kiểm soát tải trọng xe lưu thông qua địa bàn. Theo đó, trong 4 ngày từ 23 – 26.7, trạm cân lưu động đặt tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên đã xử lý hành chính 66 xe vi phạm quá tải (chiếm 51% số xe được kiểm tra), ra quyết định xử phạt 225 triệu đồng. Nhưng kế hoạch đặt trạm cân lưu động tại Cẩm Vịnh đã thất bại khi hàng trăm xe tải nằm chờ rồi phá rào vượt trạm. Nguyên nhân do “chưa chuẩn bị kỹ phương án”. Chính vì vậy, ở lần triển khai này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở GTVT phải tổ chức 5 bãi hạ tải và kho chứa hàng trên tuyến Quốc lộ 1A, 8A, 12C. Địa phương này cũng đề nghị Tổng cục Đường bộ triển khai việc kiểm soát trọng tải xe tại nhiều điểm.

Ý tưởng kiểm soát tải trọng xe từ gốc đã xuất hiện hơn 1 năm trước. Khi đó, Quốc lộ 5 hàng ngày bị hàng trăm lượt xe quá tải tàn phá. Vì vậy đã có ý kiến đề xuất đặt trạm kiểm soát tải trọng xe ở các khu vực bến cảng, đầu mối bốc xếp hàng hóa để ngăn ngừa tình trạng chở quá tải từ gốc.

Sau khi đã bàn giao 10 trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động vào cuối tháng 9 vừa qua, Tổng cục Đường bộ VN đang sớm hoàn thành dự án mua sắm tiếp 57 bộ cân lưu động để bàn giao cho các địa phương. Cùng với việc “siết” tải trọng xe bằng các trạm cân lưu động, Tổng cục Đường bộ cũng phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của xã hội, các doanh nghiệp vận tải, chủ xe, lái xe, chủ hàng trong việc thực hiện đúng quy định về tải trọng của phương tiện lưu thông trên cầu, đường bộ.