Dân Việt

Con gái ông Chấn và những tháng năm tủi nhục vì bố mang án oan

Xuân Lực 05/11/2013 17:40 GMT+7
"Ngày bố tôi bị kết tội giết người, với một cô gái mới 15 tuổi thì việc bố bị kết án như vậy khiến tôi nhục nhã vô cùng. Đi học thì bị bạn bè kỳ thị, đến tuổi lập gia đình thì tình duyên cũng nhiều trắc trở".
Tâm sự với chúng tôi về những năm tháng bố mang án oan tội giết người, chị Nguyễn Thị Thu (25 tuổi, con gái thứ 3 của ông Nguyễn Thanh Chấn, ở thôn Me, xã Nghĩa Chung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, người lĩnh án chung thân vì tội giết người vừa được Viện KSND Tối cao trao quyết định trả tự do sau hơn 10 năm ngồi tù oan) cho biết, 10 năm bố đi tù vì mang án oan là những năm tháng chị và gia đình sống trong tủi nhục vì bị làng xóm và bạn bè kỳ thị.

imgChị Thu không thể cầm được nước mắt khi phải nhớ lại những năm tháng tủi nhục vì bố bị mang án oan

“Tôi vẫn nhớ ngày bố tôi bị bắt, tôi chỉ biết ôm mẹ và bà khóc nức nở. Sau đó thì chạy ra đống rơm sau nhà ôm mặt khóc. Lúc đó, tôi chỉ ước giá như mình được chết đi mà bố không mang tội, được về nhà thì tôi sẵn sàng chết.

Ngày bố tôi bị kết tội giết người, tôi đau khổ vô cùng. Với một cô gái mới 15 tuổi đang đi học thì việc bố bị kết án như vậy khiến tôi nhục nhã vô cùng. Đi học thì bị bạn bè kỳ thị, rồi xì xào với nhau rằng, chơi với cái đứa bố nó giết người làm gì. Rồi khi đi tập thiếu nhi, không được ai chịu đứng cùng hàng, không được vào đội duyệt cũng vì bố mang tội giết người”, chị Thu nhớ lại.

Đến tuổi lập gia đình nhưng vì bố mang trọng tội nên đường tình duyên của chị Thu gặp nhiều trắc trở.

“Ở quê, người ta lập gia đình sớm lắm nhưng tôi thì lập gia đình muộn lắm. Khi bạn bè đã con bồng con bế, tôi vẫn chưa có gia đình riêng, dù tôi cũng có người để ý nhưng rồi gia đình người ta phản đối không cho lấy con nhà bố giết người. May mắn tôi cũng tìm được người thương và hiểu mình. Có lần tôi hỏi chồng tôi rằng “anh có tin bố em bị oan không?” anh ấy đã trả lời là "có" khiến tôi hạnh phúc vô cùng”, chị Thu mắt đỏ hoe chia sẻ.

imgNhững năm tháng đi kêu oan cho chồng khiến bà Chiến nhiều lần bị kiệt sức và hiện đang phải điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang.

Không chỉ bị kỳ thị, từ ngày ông Chấn bị bắt và kết tội giết người, mẹ và vợ con ông Chấn gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống. “Nhà có xe ngựa không ai thuê, mẹ tôi bán cà pháo, rau dưa thì cũng không ai mua vì nhà có người bị kết tội giết người”, chị Thu nghẹn lời.

Chị Thu cho biết, chị có 4 anh em, hai trai hai gái. Sau khi bố kết án oan, chị Nguyễn Thị Quyền (người con gái thứ 2 của ông Chấn) đã đi làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Giờ chị đang đi xuất khẩu lao động, làm được bao nhiêu tiền đều gửi về cho mẹ đi minh oan cho bố.

“Nếu bố không được giải oan, thì suốt đời chị sẽ không bao giờ lấy chồng và cả đời chấp nhận làm osin để kiếm tiền giúp mẹ đi minh oan cho bố”, chị Thu nhớ lại lời chị Quyền nói với mình.

Nhắc đến mẹ là bà Nguyễn Thị Chiến, chị Thu liền bật khóc.

Chị Thu kể, ngay từ khi ông Chấn bị bắt, bà Chiến đã tin rằng chồng mình bị oan và không phải hung thủ giết người. Bà Chiến đã tìm đến nhiều cơ quan công quyền để kêu oan cho chồng.

“Lúc bố bị bắt, tôi ôm mẹ khóc nức nở thì mẹ tôi liền mắng “mày làm sao mà yếu đuối thế, phải mạnh mẽ lên”. Hơn 10 năm nay, mẹ tôi đã mang hàng nghìn lá đơn đi kêu oan cho bố, bà vẫn một lòng tin bố tôi bị oan. Có những hôm mẹ tôi phải ngủ ngoài đường để chờ được gặp người có quyền để kêu oan.

Trong những ngày mẹ tôi đi tìm bằng chứng minh oan cho bố, bà may mắn được bác Thân Ngọc Hoạt giúp đỡ. Việc tìm chứng cứ minh oan cho bố được mẹ tôi và bác Hoạt âm thầm thực hiện...

Sau nhiều năm mang đơn đi kêu oan cho bố, mẹ tôi nhiều lần bị kiệt sức. Năm ngoái, mẹ tôi bị tai biến và phải điều trị ở Bệnh viện Quân y 108, giờ bà đang phải điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang. Tuần này bố tôi được tha nên bà xin về nhà vài ngày.

Phút giây bố được minh oan và trả tự do về với gia đình, ôm bố mà tôi thấy mình hạnh phúc như chưa bao giờ có cuộc chia ly...”, chị Thu nghẹn ngào trong nước mắt.