Dân Việt

Thiếu vắng tác phẩm về nông thôn

Thanh Hà 16/04/2014 09:51 GMT+7
10 năm trở lại đây, những tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài nông thôn ngày một thiếu vắng, cạn kiệt. Những khán giả nông thôn vẫn trông chờ vào một tác phẩm đề tài nông thôn có sức hút và tạo dấu ấn nhưng xem ra vẫn là chuyện “mơ về nơi xa lắm”.
Nguy cơ “đất trống đồi trọc”

Gần 10 năm trở lại đây, những tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài nông thôn không dễ gì để có được một tác phẩm hay mặc dù đời sống ở khu vực nông thôn đang cung cấp ngồn ngộn các chất liệu cho sáng tác.

Lý giải về điều này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho hay, đời sống ở nông thôn vào thời điểm hiện tại đang bị đô thị hóa, phá vỡ những cấu trúc nông thôn, những kết cấu làng quê, dòng họ, những yếu tố văn hóa, tâm linh.

Trong khi đó những nhà văn trẻ lại tập trung đi vào những thách thức, áp lực, những lợi ích, những cá nhân của họ trong căn phòng của họ. Họ không có sự gắn kết với nông thôn, mất đi cảm hứng, hay có cảm xúc nhưng chưa đủ tới để họ có thể ngồi xuống để viết, để nghe vọng về từ ký ức. Và đương nhiên, vùng sáng tác về đề tài nông thôn đang có nguy cơ trở thành “đất trống, đồi trọc”.

Cảnh trong phim “Làng ma 10 năm sau” - một trong số ít những bộ phim về đề tài nông thôn.
Cảnh trong phim “Làng ma 10 năm sau” - một trong số ít những bộ phim về đề tài nông thôn.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chiến lược của nhà nước về nông thôn nặng về giải quyết những vấn đề mang tính hiện tại, trước mắt như giải quyết vấn đề cây cầu, con đường, xóa đói giảm nghèo… mà thiếu đầu tư đúng mức cho văn hóa nông thôn.

“Hãy nhìn nông thôn ở Nhật Bản, Hàn Quốc… có lẽ chúng ta không thể so sánh với đời sống văn minh, hiện đại ở vùng nông thôn đó được. Nhưng ở đó về văn hóa, môi trường nông thôn người ta vẫn giữ một cách trọn vẹn.

Tôi đã từng sang Hàn Quốc, những ngôi nhà đặc trưng của nông thôn vẫn tồn tại, những món ăn, những ứng xử, tôn ti trật tự trong một gia đình, tam đại, tứ đại đồng đường… vẫn được giữ nguyên vẹn. Và những cái văn minh hiện đại chỉ để phục vụ cho họ kết nối với bên ngoài, không khiến họ rời bỏ, hay vứt bỏ những gì thuộc về nông thôn” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

Đồng quan điểm với nhà văn, nhạc sĩ An Thuyên cũng cho hay, đất nước đang phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, khiến nông nghiệp mất đất dẫn đến số lượng người làm nông nghiệp càng giảm. Nhà cửa, đường nhựa giao thông, xí nghiệp, khu công nghiệp… mọc lên giữa các đồng ruộng. Cho nên, phải làm sao xây dựng lại nền nông nghiệp, nông thôn nếu không sẽ mất văn hóa dân tộc.

“Tôi không hiểu văn hóa Việt Nam trong tâm hồn con người Việt Nam ở đâu, khi mà suốt ngày con trẻ ngồi mạng, xem hoạt hình trên tivi, nghe nhạc ngoại, ăn mặc, phong cách… tất tần tật mọi thứ đều là phong cách ngoại lai” - nhạc sĩ An Thuyên lo ngại.

Thiếu sự gắn kết

Không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc, văn học, ngay cả trong lĩnh vực sân khấu như kịch, cải lương, tuồng, chèo… đối với các soạn giả, người viết kịch bản đều cảm thấy đề tài nông thôn, đặc biệt xây dựng nông thôn mới - rất khó viết.

Nhạc sĩ - chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho biết, dù nông thôn cần khoa học kỹ thuật, cần cách làm ăn, nhưng cũng cần lắm được thổi tâm hồn, được nâng cao đời sống tinh thần bằng âm nhạc. Một thứ âm nhạc trong sáng, một thứ âm nhạc lành mạnh để thúc đẩy người nông dân, rất cần thiết. Không nên để âm nhạc thiếu vắng về đề tài nông thôn, các nhạc sĩ không sáng tác về nông thôn nữa mà toàn nhạc ảo não, than vãn…

"Hội Nhà văn Việt Nam cũng đang có cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 (2011-2014), với 2 đề tài chính là đề tài lịch sử và đề tài về nông thôn. Tại vòng sơ khảo có hơn 100 tác phẩm đã tham gia và trong đó có rất nhiều cuốn viết về đề tài lịch sử và nông thôn rất tốt, chất lượng. Đấy là điều đáng mừng, tín hiệu vui trong thời buổi hiện tại.

Những vấn đề con người, công nghiệp hóa, sự gìn giữ truyền thống nông thôn, làng xóm được một số tác phẩm khắc họa tinh tế, sinh động”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

“Theo tôi người nhạc sĩ phải làm thế nào để nâng được tâm hồn người ta lên, nâng sức phấn đấu trên đồng ruộng của người nông dân. Và nên đặt âm nhạc vào nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới cũng phải ít nhất bằng khí thế xây dựng thời đánh Mỹ. Cái khó cũng là nông dân, thời chiến tranh quân chủ lực cũng là nông dân, đến khi hòa bình, hưởng thụ thì nông dân vẫn là những người thiệt thòi nhất” - nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng nói.

Lý giải về sự không gắn kết của văn học nghệ thuật với đời sống nông dân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Hội Nhà văn Việt Nam vẫn tổ chức những đoàn, những chuyến đi thực tế ở vùng nông thôn.

Tuy nhiên những chuyến đi đó tôi vẫn thấy chưa được sát sao, thực tế còn mỏng manh, nên Hội Nhà văn Việt Nam muốn đầu tư, bồi dưỡng những người ở ngay tại vùng nông thôn đó, ngay tại nơi mình sinh ra và lớn lên thì đó sẽ là một chiến lược tốt và lâu dài. Bởi hơn ai hết, những cộng tác viên, những nhà văn, nhà thơ địa phương ở đó sẽ hiểu, gắn kết về chính mảnh đất mình chôn rau cắt rốn. Và bên cạnh sự gắn kết hiểu biết về nông thôn thì tình yêu nơi mình sinh ra sẽ khơi nguồn cảm xúc để nhà văn, nhà thơ có thể sáng tác tác phẩm”.