Trong vụ án
Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên), ông Phạm Trung Cang bị cơ quan điều tra khởi tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Thế nhưng đến giai đoạn truy tố, Viện KSND Tối cao đã đình chỉ vụ án với ông này. Đến khi hồ sơ vụ án chuyển sang tòa, hành vi của ông Cang lại bị đề nghị xem xét.
Hành vi thứ nhấtÔng
Phạm Trung Cang là thành viên Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB. Ngày 22.3.2010, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB họp và ký vào Nghị quyết với nội dung: “Đồng ý việc ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền VNĐ và USD tại các tổ chức tín dụng”. Từ Nghị quyết trên, Ngân hàng ACB đã ủy thác cho nhân viên đem gần
719 tỷ đồng gửi vào Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh TP.HCM và Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, nhưng toàn bộ số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Nguyễn Đức Kiên (trái) và Phạm Trung Cang.
Các thành viên Thường trực HĐQT đã ký vào biên bản trên đều bị truy tố về tội cố ý làm trái, tuy nhiên ông Phạm Trung Cang lại được Viện KSND Tối cao ra quyết định đình chỉ điều tra, dỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh. Lý do Viện KS đưa ra là thời điểm ông Cang ký vào biên bản, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 chưa có hiệu lực thi hành. Ngày 31.12.2010, ông Phạm Trung Cang có đơn xin từ nhiệm, thôi chức thành viên HĐQT Ngân hàng ACB và được chấp thuận. Do đó ông Cang không phải chịu trách nhiệm về chủ trương ủy thác gửi tiền gần 719 tỷ đồng bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Tuy nhiên trong Quyết định trả hồ sơ bổ sung của TAND TP. Hà Nội lại nêu rõ: Ngày 26.4.2011, ông Phạm Trung Cang có quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, nhưng ông này vẫn còn giữ chức vụ thành viên Hội đồng tín dụng, Phó Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB (cho đến khi cơ quan điều tra khởi tố mới thôi).
Khi ký vào biên bản ngày 22.3.2010, ủy thác cho các cá nhân gửi tiền VNĐ và USD vào các tổ chức tín dụng, lúc này Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn, ông Cang không có ý kiến ngăn cản. Ngày 7.6.2011, ông Cang vẫn ký vào ý kiến của HĐQT gửi Hội đồng tín dụng đề nghị phê duyệt cho cá nhân gửi tiền tại các ngân hàng khác khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Hành vi thứ haiTrong thời gian giữ chức thành viên Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, ông Cang còn có hành vi tham gia và đồng ý với chủ trương của Thường trực về việc đầu tư cấp hạn mức tín dụng cho Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB để mua cổ phiếu đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Từ chủ trương này Ngân hàng ACB đã bị thiệt hại với số tiền gần 688 tỷ đồng. Trong kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT - Bộ Công an có đề nghị truy tố 6 bị can là Trần Xuân Giá, Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang.
Ông Phạm Trung Cang sau khi được đình chỉ điều tra, dỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh đã rời khỏi Việt Nam vào ngày 24.12.2013. Khoảng 10 ngày sau, TAND TP.Hà Nội ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án “bầu” Kiên, trong đó có đề nghị xem xét trách nhiệm của Phạm Trung Cang.
|
Tuy nhiên Viện KSND Tối cao lại cho rằng: Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã thống nhất ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch Hội đồng đầu tư chỉ đạo trực tiếp việc này. Việc Nguyễn Đức Kiên trực tiếp chỉ đạo không đúng với chủ trương để xảy ra hậu quả là trách nhiệm của Nguyễn Đức Kiên và Lê Vũ Kỳ, các thành viên Thường trực HĐQT, trong đó có Phạm Trung Cang không phải chịu trách nhiệm về việc này. Vì thế ngày 12.12.2013, Viện KSND Tối cao đã ra Quyết định đình chỉ vụ án với Phạm Trung Cang. Tuy nhiên theo quan điểm của TAND TP. Hà Nội việc không truy tố là bỏ lọt hành vi có dấu hiệu phạm tội của Phạm Trung Cang,
Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang và
Lý Xuân Hải.