Tôi là nguyên đơn trong một vụ kiện dân sự, không đồng ý với bản án sơ thẩm nên đã làm đơn kháng cáo. Đề nghị luật sư cho biết: Nếu trong thời hạn kháng cáo, tôi rút đơn thì sẽ được giải quyết thế nào?- Bùi Văn Biên (Tiền Hải, Thái Bình).
Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời:
Theo Điểm 10.2 Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP thì:
a) Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc Viện Kiểm sát đã rút kháng nghị khi có đủ các điều kiện sau đây:
a.1) Người kháng cáo rút kháng cáo hoặc Viện Kiểm sát rút kháng nghị mà trong vụ án không còn có kháng cáo của người khác, không có kháng nghị của Viện Kiểm sát đối với phần của bản án, quyết định sơ thẩm đó.
a.2) Phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị mà kháng cáo hoặc kháng nghị đó đã được rút độc lập với những phần khác của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị và việc xét kháng cáo, kháng nghị này không liên quan đến phần bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo hoặc kháng nghị đã được rút.
b. Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo và Viện Kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà (trong vụ án không còn có kháng cáo, kháng nghị), thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ. Trước khi mở phiên toà, việc ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm do Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên toà thực hiện, còn tại phiên toà do Hội đồng xét xử thực hiện. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.