Kết thúc vụ án Dương Tự Trọng và đồng phạm trong vụ án tổ chức người khác trốn ra nước ngoài, ngoài bản án nghiêm khắc dành cho 7 bị cáo, HĐXX còn tuyên khởi tố vụ án tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Có thể thấy đây là sự quyết tâm cao của các cơ quan tố tụng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và xử nghiêm những vụ "đại án" nói riêng. Tuy nhiên điều đáng nói tại sao đến nay vụ án mới được khởi tố? Việc có người đã báo tin cho Dương Chí Dũng biết sẽ bị khởi tố, bắt giam là vấn đề mấu chốt dẫn tới việc Dương Tự Trọng và 6 đồng phạm tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài. Việc này ngay tại thời điểm đó đã quá rõ, tại sao cơ quan điều tra không khởi tố vụ án để điều tra làm rõ?
Trong lời khai của Dương Chí Dũng trong phiên xử Dương Tự Trọng và các đồng phạm có nêu danh tính của người lộ thông tin cho Dũng bỏ trốn.
Việc Dương Chí Dũng khai một "ông anh" ở Bộ Công an đã báo tin để chạy trốn không có gì mới. Chỉ có điều lần này nó được nói ra giữa một phiên tòa công khai, thông qua các phương tiện truyền thông, tên người báo tin được nêu ra. Tất nhiên lời khai là một chuyện còn phải tiến hành xác minh làm rõ. Khi Dương Chí Dũng bị bắt, việc đấu tranh làm rõ ai đã báo tin để biết đường chạy trốn đã được cơ quan điều tra tiến hành, bởi chắc chắn là đã có người báo tin để Dương Chí Dũng bỏ trốn. Và người đó phải có trọng trách trong cơ quan tố tụng thì mới nắm rõ được những thời điểm quan trọng của vụ án như khi lệnh khởi tố và bắt tạm giam được phê chuẩn.
Nếu theo phương pháp khoanh vùng mà cơ quan điều tra vẫn tiến hành phá án thì việc tìm ra "ông anh" báo tin đương nhiên sẽ không mấy khó khăn. Còn cụ thể "ông anh" nào thì trách nhiệm của cơ quan điều tra phải chứng minh. Nhưng nhìn vào quá trình thấy dường như việc điều tra này đã rơi vào "điểm nghẽn" nên sự việc chùng chình mãi mà từ tháng 9.2012 (ngay sau khi Dũng bị bắt tại Campuchia) đến tận bây giờ vẫn chưa có kết quả.
Việc HĐXX tuyên khởi tố vụ án ngay tại tòa để điều tra tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước tuy là muộn, nhưng rất cần thiết. Không chỉ điều tra một hành vi làm lộ bí mật nhà nước, tòa còn yêu cầu Viện Kiểm sát điều tra làm rõ hành vi nhận 510.000 USD để chạy tội cho Dương Chí Dũng ở vụ án Vinalines và làm rõ hành vi nhận 20 tỷ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Đây là tín hiệu cho thấy không có sự e ngại hay "vùng cấm" trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước, lấy lại niềm tin cho dân. Tuy nhiên, điều mà người dân mong mỏi là phải làm rõ, minh chứng rõ các thông tin mà Dương Chí Dũng đã khai, cũng như căn cứ mà Tòa án đã dựa vào để khởi tố, tránh việc vụ án bị chìm xuống như lâu nay người dân vẫn nghĩ.