Dân Việt

Dạy nghề cho làng làm nón

30/12/2010 20:46 GMT+7
(Dân Việt) - Khi mở lớp dạy nghề làm nón lá ở làng Chuông (xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội), nhiều người cho rằng không cần thiết. Nhưng khi áp dụng kiến thức vào làm việc, thợ nghề vẫn thừa nhận “có học có hơn”.
img
Làm nón ở làng Chuông, Thanh Oai.

Tháng 4–2010, Hội ND xã Phương Trung phối hợp với Hội Cựu chiến binh xã tổ chức dạy nghề làm nón lá cho 50 ND trên địa bàn xã. Tưởng chừng như việc mở lớp dạy nghề làm nón ngay trên mảnh đất từ hàng trăm năm nay vẫn sống bằng nghề này là thừa, nhưng thực tế cho thấy những người ND hàng ngày đang sống bằng nghề làm nón vẫn khao khát được học nghề. “Học nghề không phải để lấy tiền hỗ trợ mà để biết cách áp dụng kỹ năng sao cho hiệu quả cao hơn”- cô Nguyễn Thị Lúa, 54 tuổi tâm sự.

img Toàn xã Phương Trung có khoảng 4.000 hộ dân trong đó gần 80% số hộ trực tiếp tham gia làm nghề nón. Việc dạy nghề, nâng cao kỹ thuật làm nón là một việc làm rất cần thiết giúp những nông dân ở đây ổn định cuộc sống. img

Ông Mai Văn Cưu

Để làm ra một chiếc nón phải qua rất nhiều khâu như vò lá, phơi nắng, phơi sương, là lá, xe lá, bứt vòng, quay mo, khâu nón, lồng nhôi, nứt cạp. Trong đó, để có được một chiếc nón đẹp, nhìn bắt mắt thì khâu quan trọng nhất là “là” lá để làm cho lá phẳng.

Nhưng vì là thủ công, làm chậm nên ảnh hưởng đến năng suất của người làm nón. Cô Vũ Thị Thanh, 52 tuổi, chia sẻ: “Sau khi học nghề, được chỉ cách là lá sao cho nhanh, thẳng mà không giòn, tôi làm nhanh gấp đôi so với ngày trước”.

Đồng quan điểm với cô Thanh, bác Nguyễn Thị Tâm (làng Chuông, Thanh Oai) phấn khởi nói: “Ngày trước để làm một chiếc nón đẹp phải mất gần một ngày. Còn bây giờ, một ngày tôi có thể làm ra được hai chiếc nón như thế. Đúng là có học có khác!”.

img
 

Ông Mai Văn Cưu – Chủ tịch Hội ND xã Phương Trung – huyện Thanh Oai – Hà Nội cho biết: “Lớp dạy nghề làm nón có 50 học viên đăng ký học nghề. Tuy nhiên, gần 80% ND ở đây sống bằng nghề làm nón thì con số này còn quá nhỏ với nhu cầu thực tế”. Mặc dù nghề làm nón lá là một nghề truyền thống nhưng mẫu mã của các sản phẩm cũng thường xuyên phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy, theo ông Cưu, phải mở rộng dạy thêm cho bà con kiến thức kinh doanh.

Hiện nay, nón làng Chuông không chỉ được bán ở chợ mà được xuất khẩu ra nước ngoài. Nón xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong các hội chợ trong nước và quốc tế, các hợp đồng giao thương với bạn hàng trong Nam ngoài Bắc, bạn hàng quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức…

Các doanh nghiệp ở đây đang có ý định thành lập một website riêng để giới thiệu và quảng bá sản phẩm truyền thống của làng. Bà Lưu Thị Hải Anh - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Thanh Oai cho biết: “Thấu hiểu được những nguyện vọng này của bà con, trong thời gian tới Hội ND huyện sẽ lên kế hoạch dạy nghề kinh doanh cho ND nơi đây”.