Dân Việt

Trồng rau muống lấy hạt: Đầu tư ít, lãi cao

Nguyễn Rạng 02/10/2013 10:45 GMT+7
Trong những năm qua, nhiều nông dân xã Hiệp Xương (Phú Tân, An Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng nếp truyền thống sang trồng xen canh rau muống lấy hạt và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Vụ mùa năm nay, bà con càng vui khi rau muống trúng mùa, được giá. Ông Lê Văn Kịch - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau muống lấy hạt xã Hiệp Xương phấn khởi cho biết, gia đình ông vừa thu hoạch 10 công (1 công = 1.000m2) rau muống lấy hạt, năng suất 350kg/công, được thương lái thu mua với giá 40.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư, gia đình ông còn lãi trên 100 triệu đồng.

Ở ấp Hiệp Trung kế bên, ông Nguyễn Thanh Điền cho hay, trước đây gia đình ông chỉ trồng 3ha rau muống lấy hạt, còn lại khoảng 7 công trồng nếp. Nhưng từ khi tham gia Tổ hợp tác sản xuất rau muống lấy hạt và được học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng loại dây leo này thông qua những lớp tập huấn, hội thảo, ông đã mạnh dạn chuyển đổi tất cả diện tích sang trồng rau muống lấy hạt. Rau muống nhà ông đạt năng suất hơn 4 tấn/ha, được thương lái thu mua với giá 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông còn lãi khoảng 120 triệu đồng/ha, lời gấp 4 – 5 lần trồng lúa.

“Trồng rau muống lấy hạt lợi nhuận cao và ổn định hơn nhiều so với trồng nếp và các loại rau màu khác. Đặc biệt, ruộng nào mới trồng rau muống xong mà trồng lại lúa hoặc nếp sẽ rất trúng, vì ít sâu bệnh và ít tốn chi phí mua phân bón” - ông Điền nói.

Ông Kịch chia sẻ thêm: “Trồng rau muống lấy hạt không có gì khó, mà còn nhẹ công chăm sóc hơn trước rất nhiều, bởi tất cả các khâu từ trục, xới đất, sạ phân cho đến thu hoạch đều có máy móc và nhân công làm thuê. Nông dân chỉ cần thăm ruộng thường xuyên để kịp thời “chỉ huy” khi có dịch bệnh xảy ra”.

Chủ tịch Hội ND xã Hiệp Xương Nguyễn Thị Bích Phượng cho biết, toàn xã hiện có 20 hộ trồng rau muống lấy hạt với tổng diện tích trên 50ha. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con mở rộng diện tích trồng rau muống lấy hạt, Hội đã hỗ trợ Tổ hợp tác sản xuất rau muống lấy hạt của xã vay vốn ưu đãi, với số tiền 600 triệu đồng (30 triệu đồng/thành viên) và tăng cường việc dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng rau muống lấy hạt cho bà con. Đồng thời, Hội liên hệ tìm thị trường tiêu thụ, hướng bà con đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, góp phần tăng thêm thu nhập và bảo vệ quyền lợi của nông dân.