Dân Việt

Phó TT Vũ Đức Đam: Thi THPT 4 môn có thể khiến các em học lệch

Tùng Anh (ghi) 13/02/2014 14:48 GMT+7
"Thi từ 6 môn thành 4 môn để có lợi cho học sinh, đang gánh nặng 60kg bỏ đi 20kg nhưng các em có thể học lệch", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những phát biểu tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 29 – NQ/TW; sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013 – 2014 được tổ chức ngày 13.2.

Không cần những đề án triệu đô


Nhìn nhận những khó khăn của ngành giáo dục trước thềm đổi mới, Phó Thủ tướng cho rằng ngành giáo dục phải thận trọng, chắc chắn. Hiện, có nhiều điều chúng ta muốn nhưng chưa thực hiện được ngay do khó khăn, nhất là về ngân sách. “Chúng ta cần 1,5 triệu tỷ đồng để giải quyết tiền lương cho giáo viên, trong khi ngân sách hiện nay chỉ đạt 1 triệu tỷ.

Đội ngũ giáo viên tăng rất nhanh nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề thừa-thiếu cục bộ giáo viên”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

img
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Bởi vậy, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tới đây, khi thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, phải tính toán để thực hiện vừa đào tạo, vừa bồi dưỡng, tuyển dụng đội ngũ giáo viên cho bảo đảm yêu cầu. Giáo dục mầm non vẫn còn thiếu, yếu, nhất là ở các khu công nghiệp. Chính phủ sẽ bàn với bộ GD ĐT để giải quyết, các địa phương cũng phải vào cuộc mạnh mẽ.

Về giáo dục phổ thông Phó Thủ tướng cho rằng: "Đổi mới căn bản, toàn diện không phải là thay đổi hết. Những gì tốt đẹp phải phát huy. Có những thứ phải lấy lại, chấn chỉnh lại, ví dụ như truyền thống chào cờ, hát quốc ca, dạy cho học sinh lòng yêu Tổ quốc, đồng bào. Bây giờ chào cờ chỉ có nhạc. Giáo dục công dân phải là dạy đạo đức cho học sinh đầu tiên.

Giáo dục thể chất phải dạy thể dục giữa giờ cho học sinh, để học sinh học những bài học khỏe để bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Ngày xưa chúng ta phân công cho học sinh trực nhật, cho học sinh tham gia lao động... bây giờ đã làm dịch vụ hết. Nếu học sinh không ý thức việc vệ sinh, lao động thì các em không thể trở thành con người yêu lao động".

"Tất cả những vấn đề này chúng ta có làm được không?"- ông đặt câu hỏi.

Phó Thủ tướng nhìn nhận: “Có những việc không cần đợi Bộ mà cơ sở vẫn có thể làm ngay. Có những thứ không cần đề án triệu USD, không cần tiền mà vẫn có thể làm ngay, đó là dạy cho học sinh đạo đức làm người. Ngành giáo dục phát huy sự sáng tạo, đoàn kết để làm những việc đó”.

Đừng để học sinh năm nào cũng phải “hồi hộp” với thi cử


“Đổi mới thi cử thì Bộ phải hết sức tính toán. Đừng vô tình biến đội ngũ giáo viên thành 2 hạng, hạng A đối với những giáo viên có môn thi, còn lại giáo viên dạy những môn không thi, tức là ngay trong ngành sẽ có sự phân hóa đội ngũ” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Nói về vấn đề thi tốt nghiệp THPT đang gây bàn cãi, Phó Thủ tướng bày tỏ quan điểm: Bộ chọn đổi mới thi cử, tuyển sinh để đột phá, từ đó có sức lan tỏa đến việc dạy và học. Đó là đúng, nhưng phải tính toán thận trọng.

Thi từ 6 môn thành 4 môn để có lợi cho học sinh, đang gánh nặng 60kg bỏ đi 20kg nhưng các em có thể học lệch.

Vì vậy, đổi mới thi cử phải hết sức thận trọng, tính toán chặt chẽ.

“Đừng để học sinh năm nào cũng hồi hộp không biết năm nay thi như thế nào, thi môn gì khi chỉ còn mấy tháng nữa là đến kỳ thi” – Phó Thủ tướng nói.

"Thực tế bây giờ, học sinh đang học rất nặng nên phải thay đổi cách học. Nhưng vì chọn đổi mới thi cử là đột phá, mà học gì thì thi nấy nên phải tiến tới việc này càng giảm nhẹ các kỳ thi, còn một kỳ thi thì càng tốt.

Thi là cần thiết để tuyển chọn được những học sinh có năng lực. Nhưng nếu kỳ thi mà không cần thiết thì nhất thiết phải bỏ. Năm nay chẳng hạn, dự định miễn thi 20%, giảm môn thi. Nhưng với thực tế 98% tốt nghiệp hiện nay thì có cần phải miễn thi hay không? Hay chỉ miễn cho những trường hợp bất khả kháng? Nếu với một kỳ thi nặng nề, không cần thiết thì bỏ đi. Nhưng nếu nặng nề mà cần thiết thì vẫn phải giữ.

Vì thế, bộ phải lắng nghe ý kiến toàn xã hội thật cầu thị, thận trọng để đưa ra được phương án tốt nhất, để từ năm sau có thể áp dụng một cách ổn định. Ngoài ra, phải sớm công bố cho học sinh. Mục đích là thi cử phải nhẹ nhàng, nhưng phải bảo đảm để đánh giá được năng lực toàn diện của học sinh, không để các em học lệch, học tủ” – Phó Thủ tướng nói thêm.