Dân Việt

Những cánh đồng làm theo lời Bác-Bài 1: Hòn ngọc xanh Tây Bắc

Kiều Thiện 03/09/2013 15:12 GMT+7
Việc Bác Hồ đến thăm đã thành một nguồn động lực tinh thần rất lớn. Chuyến thăm ấy của Người đã làm Mộc Châu nhanh chóng trở thành hòn ngọc xanh của vùng Tây Bắc.
LTS: Trong cả cuộc đời hoạt động, làm việc của mình, dấu chân của Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã đặt ở hầu khắp các chân ruộng, ngọn đồi... của đất nước. Đó có thể là nơi miền cát trắng nghèo xác xơ Quảng Bình, là nơi “tận cùng” nghèo đói của miền Tây Bắc, hay ở Tây Nguyên xa xôi… Dưới lời chỉ dạy của Người, tại những địa phương đó đã xuất hiện nhiều mô hình, cánh đồng làm theo lời Bác. Tròn 44 năm thực hiện Di chúc của Hồ Chí Minh, phóng viên Dân Việt đã tìm một số nơi như vây.

"Việc Bác Hồ đến thăm, dặn dò, động viên, định hướng đã thành một nguồn động lực tinh thần rất lớn với quân và dân Mộc Châu. Chuyến thăm ấy của Người đã làm Mộc Châu nhanh chóng trở thành hòn ngọc xanh của vùng Tây Bắc"- cụ ông Nguyễn Chí Đạo ở tiểu khu Vườn Đào, Thị trấn nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu, Sơn La), tâm sự vậy.

Thực hiện lời Bác Hồ thi đua yêu nước, nông dân Mộc Châu, Sơn La đã nâng mức thu nhập mỗi năm từ 200-300 triệu đồng/ha nhờ cây su su
Thực hiện lời Bác Hồ thi đua yêu nước, nông dân Mộc Châu, Sơn La đã nâng mức thu nhập mỗi năm từ 200-300 triệu đồng/ha nhờ cây su su

Bác đến mang theo nguồn sinh khí mới

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 7.5.1954, với tầm quan trọng về chính trị, quân sự và quyết tâm biến Tây Bắc thành "Hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc", tháng 4.1958, Mộc Châu đã trở điểm hội quân của trung đoàn 280, sư đoàn 335 anh hùng. Những người lính vừa "rũ bùn đứng dậy sáng loà" ấy, khi đó đang nuôi ước vọng được về với quê hương, vợ con, gia đình, bè bạn, bến nước, nương dâu thân thuộc quê nhà…

Nhưng với yêu cầu của Đảng, Bác Hồ, họ lại khoác ba lô trở lại Mộc Châu, không phải để cầm súng mà cầm cày, cuốc; không phải để chiến đấu với một thế lực cụ thể mà là chiến đấu với đói nghèo, lạc hậu ở miền sơn cước này. Lực lượng mũi nhọn quân đội này được mang một cái tên mới: Nông trường quân đội 280. Mộc Châu khi ấy nổi tiếng là vùng rừng thiêng-nước độc với câu ví: "nước Sơn La-ma Hoà Bình".

Đây cũng là vùng đất lạnh giá, xa xôi với nhiều thú dữ, núi non hiểm trở trong khi công tác hậu cần cũng nhiều hạn chế, bữa đói, bữa no. Bởi vậy, trong số những người lính đến với Mộc Châu thực tình cũng có không ít tâm trạng băn khoăn, buồn nhớ quê hương.

Cụ ông Nguyễn Chí Đạo ở tiểu khu Vườn Đào, Thị trấn nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu, Sơn La)-một trong những người lính trung đoàn 280 được gặp Bác hôm ấy, nhớ lại: Đúng vào thời điểm ấy thì Bác Hồ đến với chúng tôi. Đó là vào cuối buổi sáng ngày 8.5.1959. Bác đã nói chuyện với cán bộ, bộ đội, nhân dân, giáo viên, học sinh các dân tộc huyện Mộc Châu.

Bác đã dặn dò chúng tôi phải đoàn kết, phải quyết tâm vượt khó, xây dựng Mộc Châu ngày càng giàu đẹp. Buổi chiều Bác vào thăm Nông trường Quân đội 280. Bác bảo chúng tôi phải nối tiếp truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, phải "công tư vẹn cả đôi bề, xây dựng chủ nghĩa nằm kề phu nhân".

Chính lời ấy của Bác đã thành phương hướng hành động nhân văn và hiệu quả với những người lính sư đoàn 335, bới ngay sau đó, các đơn vị đã tạo đièu kiện để quân nhân về quê đưa vợ, con lên ở cùng, góp phần làm Mộc Châu thêm đông, vui, anh em cũng có thêm nguồn động lực sống và làm việc tốt hơn.

Thiếu nữ Mộc Châu thu hoạch chè trên cánh đồng làm theo lời Bác.
Thiếu nữ Mộc Châu thu hoạch chè trên cánh đồng làm theo lời Bác.

Với ông Nguyễn Sỹ Phán, ở tiểu khu 19.8, thị trấn Nông trường Mộc Châu, khi ấy là cán bộ tiểu đội của sư đoàn 335 thì ký ức Bác Hồ về thăm Nông trường vẫn như còn mới nguyên: "Cũng ở Nông trường 280 này, Bác Hồ đã tặng chúng tôi 16 chữ vàng: "Luôn luôn cố gắng, khắc phục khó khăn, tiến lên thật hăng, hoàn thành nhiệm vụ".

Lời dặn ấy đã được khắc ghi trong phòng truyền thống của Nông trường trong suốt mấy chục năm qua và trở thành phương châm hành động của các thế hệ cán bộ, công nhân viên Nông trường. Nhờ thế chúng tôi đã chung sức, chung lòng, đoàn kết cùng nhân dân Thái, Mường, Dao, Mông… xây dựng Mộc Châu giàu đẹp như hôm nay… ".

Biến ước mơ thành hiện thực.

Đến với cao nguyên Mộc Châu hôm nay, dù từ hướng Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái trở về hay từ Hà Nội ngược lên, mọi du khách không khỏi ngỡ ngàng bởi sau cả trăm km đường xá quanh co, vất vả, họ lại thấy một cao nguyên xanh mướt, yên bình, giàu sang và no ấm.

Những đàn bò sữa với nhiều "quốc tịch": Cu Ba, Mỹ, Úc… nhởn nhơ gặm cỏ, phơi lưng dưới nắng vàng; những vườn chè xanh uốn lượn bên đồi, nhấp nhô nón trắng của cô gái vườn chè đang say sưa hái búp; những vườn cây ăn trái xum xuê, trĩu cánh quả mọng; những vườn hoa lan, hoa ly ngát hương; cả một vành đai rau xanh với tiêu chí sạch lên tới hàng trăm ha; những dãy nhà cao tầng, những bản làng ngói hoá, những con đường nhựa rộng mở; điện lưới quốc gia chạy dài tít tắp…

"Đó là từng bước hiện thực hoá giấc mơ của quân và dân Mộc Châu năm xưa, đó là một phần trong hành trình "làm theo lời Bác" của chúng tôi"-ông Nguyễn Sỹ Phán, bảo vậy.

“Người Mộc Châu đuổi được cái đói, cái nghèo, nên giàu nên có là nhờ có lời của Bác dẫn đường, có người của Bác dẫn lối. Ngay cả ở miền biên viễn xa xôi nhiều gian khó như đất Xuân Nha này, người Thái, người Mông, người Mường, người Dao, người Kinh… vẫn đoàn kết bên nhau cùng xoá đói nghèo, lạc hậu như lời dạy của Bác.” - Lão nông Đinh Văn Phong

Cũng theo ông Phán thì Mộc Châu hôm nay là sản phẩm của một cuộc đấu trí, đấu lực giữa con người với thiên nhiên khắc nghiệt, với những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, với sự bảo thủ, lạc hậu, trì trệ trong mỗi con người…

Khi ấy tình quân dân là gắn bó keo sơn nhưng ngôn ngữ bất đồng, mà Mộc Châu lại nhiều dân tộc nên bộ đội chúng tôi phải tự học nhiều thứ tiếng mới giao dịch được. Có nói chuyện được với dân thì mới xây dựng được thế trận lòng dân, mới đồng lòng xây dựng Mộc Châu.

Bộ đội khi ấy là công nhân, là khuyến nông, là thú y, là thầy giáo, là người làm văn hoá mới, cán bộ y tế… Bộ đội cũng vừa làm, vừa học, vừa cải tiến, sáng tạo và thu hút người dân làm theo. Cứ lấy lời Bác Hồ ra mà nói với dân, lấy việc thực ra mà hướng dẫn người dân, dân ta yêu Bác, tin Đảng, quý bộ đội nên dễ thuyết phục, làm theo.

Ông Nguyễn Văn Bộ-một trong những thế hệ bộ đội cuối thập kỷ 60, lên Mộc Châu xây dựng quê hương mới, hiện ở bản Tự nhiên, xã Đông Sang, Mộc Châu, nhớ lại: Để đưa được một cây giống mới, một con giống mới có năng xuất cao từ dưới xuôi lên Mộc Châu sản xuất được là rất khó khăn.

Đường xá đã xa xôi cách trở, khí hậu Mộc Châu ngày xưa lại lạnh đến ghê người, sương mù quanh năm, muông thú phá hoại; bà con các dân tộc thì có thói quen: phải nghe, phải thấy thì mới tin và làm theo. Vì thế làm được việc tốt đã khó, nhân việc tốt ấy cũng không đơn giản chút nào.

Thế nhưng gần 60 năm làm theo lời Bác, chúng ta đã có một cao nguyên Mộc Châu với nhiều nông sản có thương hiệu nổi tiếng: Sữa tươi và các sản phẩm từ sữa bò; nhiều sản phẩm chè từng xuất đi các nước trên thế giới; rau-hoa-củ-quả tươi mỗi ngày hàng chục, hàng trăm tấn được chở về xuôi. Nhiều thế mạnh khác của Mộc Châu cũng đang từng bước được khai thác, phát triển, góp phần làm giàu đẹp cho Sơn La và Tây Bắc.

Sinh ra và lớn lên trên đất Mộc Châu, lão nông Đinh Văn Phong ở bản Tưn, xã Xuân Nha, huyện Mộc Châu, năm nay đã 80 tuổi, bảo rằng: Người Mộc Châu đuổi được cái đói, cái nghèo, nên giàu nên có là nhờ có lời của Bác dẫn đường, có người của Bác dẫn lối. Ngay cả ở miền biên viễn xa xôi nhiều gian khó như đất Xuân Nha này, người Thái, người Mông, người Mường, người Dao, người Kinh… vẫn đoàn kết bên nhau cùng xoá đói nghèo, lạc hậu như lời dạy của Bác. Ai chưa làm được nhiều tiền, chưa giàu có thì cũng cố gắng đừng để đói nghèo, đừng để con cháu mình thất học.

Còn với nông dân giỏi Tráng A Sếnh ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, Mộc Châu-người có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ chuyển đổi sản xuất bằng cây mận hậu, đào Pháp, chè xanh và chăn nuôi gia súc, gia cầm thì: Lời Bác Hồ làm sáng cái đầu, làm no cái bụng người Mông. Cứ mạnh dạn đổi mới theo lời cán bộ, cứ dẩy mạnh thi đua lao động sản xuất như lời Bác Hồ, cuộc sống sẽ nhanh chóng đổi thay, đói nghèo sẽ xua tan hết.