Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị chức năng đẩy mạnh giám sát các cơ sở đào tạo nghề tại địa phương.
Nhiều sai phạmQua thanh kiểm tra tại Trung tâm Dạy nghề huyện Thống Nhất, Thanh tra Sở LĐTBXH Đồng Nai đã phát hiện có đến 68 lớp kê khống để thu tiền đào tạo với số tiền trên 2,3 tỷ đồng (thực tế không có lớp). Một số cá nhân liên quan còn ký hợp đồng đào tạo nghề may cho 2 cơ sở may và thu tiền của học viên với mức học phí trên 500 triệu đồng.
Trung tâm Dạy nghề huyện Thống Nhất - nơi xảy ra nhiều tiêu cực trong quá trình thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Cũng theo Thanh tra Sở LĐTBXH Đồng Nai, do không vận hành đúng theo Thông tư 112 của liên Bộ Tài chính – LĐTBXH về hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn nên nhiều trung tâm dạy nghề đã sử dụng số tiền không đúng mục đích, gây thất thoát ngân sách hàng tỷ đồng. Trong khi đó, tại nhiều trung tâm dạy nghề của tỉnh, thiết bị dạy nghề còn thiếu, người học khó tiếp cận vay vốn sau học nghề, một số chương trình đào tạo nghề chưa phù hợp với thực tiễn, đối tượng tham gia đào tạo nghề chưa đảm bảo theo quy định...
Ông Lâm Duy Tín - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Đồng Nai cho biết vụ việc sai phạm tại Trung tâm Dạy nghề huyện Thống Nhất đã được chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý. Riêng các học viên đang theo học tại trung tâm thì vẫn đảm bảo học nghề bình thường. Còn những tồn tại ở các trung tâm khác cũng đang được điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn, đúng quy định.
Sau khi có kết luận Thanh tra của Sở LĐTBXH về sai phạm tại Trung tâm Dạy nghề huyện Thống Nhất, Hội ND tỉnh Đồng Nai cũng đã tiến hành xác minh. Thực tế, danh sách lớp học kê khống, không có tên nông dân nào trên địa bàn. Hội ND tỉnh cũng đề nghị thu hồi tiền để tổ chức bù lớp cho nông dân.
Tăng cường giám sát Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 11 trung tâm dạy nghề và 2 trường trung cấp nghề, 2 trường cao đẳng nghề tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Để thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, công tác kiểm tra, giám sát đào tạo nghề đang được quan tâm hàng đầu.
Sau 3 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, các cơ sở dạy nghề của tỉnh Đồng Nai đã tổ chức dạy nghề cho 27.000 người. Trong đó học nghề nông nghiệp gần 10.000 người, nghề phi nông nghiệp trên 17.000 người.
|
Ông Nguyễn Thành Trí - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi phát hiện sai phạm, tồn tại ở một số trung tâm dạy nghề, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở LĐTBXH chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất tại các cơ sở đào tạo có tham gia dạy nghề. Đối với các trường hợp chi sai mục đích tiền đào tạo nghề, tỉnh yêu cầu các địa phương thu hồi kinh phí sai phạm và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định.
Đặc biệt, tỉnh ủy Đồng Nai đã yêu cầu ban chỉ đạo thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn các cấp cần có văn bản mời Hội ND cùng cấp tiến hành giám sát việc thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Riêng ban chỉ đạo thực hiện đề án cấp tỉnh thì cần mời thêm đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng giám sát việc thực hiện đề án.
Cũng theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, qua kiểm tra, giám sát các địa phương, đơn vị cần bổ sung, điều chỉnh công tác dạy nghề cho phù hợp với thực tế địa phương, với nhu cầu của người học, nhu cầu sử dụng lao động nông nghiệp và quy hoạch sản xuất của từng vùng. Ngoài ra, Đồng Nai cũng khuyến khích các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và cá nhân có đủ điều kiện tham gia vào công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Trong đó ưu tiên tập trung cho 34 xã điểm NTM của tỉnh.