Dân Việt

Cần xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới

Minh Huệ (thực hiện) 08/09/2013 16:03 GMT+7
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta học tập Bác chính là cần biến những tư tưởng của Bác về tam nông thành thực tiễn hành động phù hợp với tình hình hội nhập hiện nay", GS.Bùi Thiết- nhà sử học chuyên nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp nói.
Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, GS.Bùi Thiết- nhà sử học chuyên nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp, khẳng định: “Những tư tưởng của Người về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta cần biến những tư tưởng đó thành thực tiễn hành động phù hợp với tình hình hội nhập hiện nay”.

img
Cánh đồng Ô Môn, Cần Thơ. Ảnh: Duy Khương

Giáo sư có đánh giá thế nào về những mô hình thi đua sản xuất mà Bác Hồ phát động trước đây?

- Ngày xưa, chúng ta phát động phong trào thi đua “gió Đại Phong” khá mạnh mẽ, đây là phong trào bắt nguồn từ một bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại Phong là tên một HTX làm ăn giỏi ở Quảng Bình, được Bác Hồ viết bài tuyên dương trên báo Nhân Dân (11.1.1961).

Đến giữa tháng 8.1961, toàn miền Bắc đã có gần 7.000 HTX đăng ký thi đua với Đại Phong, điển hình trong đó phải kể đến mô hình xây dựng người nông dân mới ở xã Tòng Bạt (thuộc tỉnh Sơn Tây cũ, nay là Hà Nội). Ngày 17.8, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã về đây phát động và chỉ đạo phong trào. Từ 1961-1965, nhiều HTX cả trong và ngoài nước đã tới tham quan và học tập mô hình ở Tòng Bạt.

Thời nay, thi đua sản xuất nông nghiệp không phải là đổ sức vào làm, là gánh được bao nhiêu gánh đất, cày được bao nhiêu sào ruộng, gặt bao nhiêu bó lúa…, bởi việc đó đã có máy móc làm… Quan trọng nhất là phải đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, là dồn điền đổi thửa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng nhân lực ngành nông nghiệp…

Thời nay, chúng ta phải biến các HTX nông nghiệp ở nông thôn thành những “công ty cổ phần” đa ngành nghề, dưới HTX là những trung tâm dịch vụ, chuyên sửa chữa, cung ứng dịch vụ máy móc, thiết bị, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, tư vấn – chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Trong phạm vi 1-3 xã phải có đủ các dịch vụ cần thiết nói chung, như y tế, công nghệ thông tin, thậm chí các nhà băng cũng cần tập trung về nông thôn để đáp ứng nhu cầu vốn cho HTX, các cá nhân, doanh nghiệp… Như vậy, dần dần nông thôn sẽ thu hút được những người có trình độ về làm việc.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta học tập Bác chính là cần biến những tư tưởng của Bác về tam nông thành thực tiễn hành động phù hợp với tình hình hội nhập hiện nay. Bây giờ không thể là điều lệ xã viên HTX như ngày xưa nữa, mà phải áp dụng tinh thần xây dựng nông thôn mới, lấy tinh thần đó để hiện đại hóa sản xuất.

Là người từng nghiên cứu về tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo sư có nhận xét, đánh giá như thế nào về tư tưởng của Người về nông nghiệp, nông dân, nông thôn?

- Ngay từ rất sớm, Bác Hồ đã rất chú ý tới điều này, vì một nước đi lên từ nông nghiệp mà nông dân, nông thôn không phát triển thì đất nước cũng sẽ không thể đi lên vững mạnh được. Với tình hình thực tế hiện nay, tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị. Còn nhớ, việc đổi công những năm 1950, rồi mô hình hợp tác xã (HTX) những năm 1957 – 1960, cho suốt tới những năm trước giải phóng miền Nam chính là những thí nghiệm, chọn lựa để phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, thực thế là chúng ta chưa chọn được mô hình nào tốt cả, HTX nông nghiệp tuy cũng có những lợi thế, ưu điểm, nhưng nó không khác gì “góp gạo thổi cơm chung”, nghĩa là một anh nông dân cày cấy bằng cái cày ấy, một gia đình làm bằng con trâu ấy, thì 10 nhà cũng vẫn bằng con trâu ấy, cái cày ấy, cái đó không thể gọi là một HTX phát triển, vững mạnh.

Một thời gian sau đó, hợp tác hóa nông nghiệp bị khủng hoảng. Từ xã viên “góp gạo thổi cơm chung” cho tới khoán sản phẩm, tuy có kích thích tinh thần lao động của nông dân, nhưng cũng không tạo đà mạnh mẽ để phát triển nông nghiệp, nông thôn được, là bởi nông dân vẫn không thoát khỏi cái cày, con trâu, nông thôn chưa có cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

Đến bây giờ, chúng ta muốn phát triển nông nghiệp, nhưng lại đang bị cơ chế kìm hãm, người nông dân vẫn tư hữu trên ruộng đất manh mún của mình, kỹ thuật canh tác thì không cải tiến được là mấy, một số nơi có máy cày, máy gặt đập… để thay con trâu, giảm sức người, nhưng thực trạng nông nghiệp vẫn bấp bênh, không gia tăng được giá trị, đời sống nông dân vẫn hết sức khó khăn vì thiếu các HTX, tổ hợp tác thực sự đóng vai trò làm bà đỡ giúp nông dân.

Vậy theo giáo sư, mô hình HTX như thế nào là phù hợp với thực tế hiện nay?

- Để tổ chức được một nền nông nghiệp có tính chất hiện đại, chúng ta phải chuyển HTX kiểu cũ thành HTX kiểu mới, trong đó các xã viên đóng góp cổ phần bằng ruộng của mình, tập trung ruộng lại thành một HTX nông nghiệp, HTX ấy có thể có từ mấy chục đến mấy trăm ha ruộng đất, giao cho người có trình độ quản lý, xây dựng kế hoạch sản xuất, chẳng hạn đất này trồng lúa, trồng khoai, ngô, hay nuôi trồng thủy sản…, tức đều phải có quy hoạch. Và đất đó không được chuyển mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng phải từ 50 - 100 năm.

Các xã viên sẽ được hưởng lợi tức hàng năm tùy vào diện tích đất ruộng mà mình đóng góp, ngoài ra, xã viên có thể tham gia một trong những khâu sản xuất như làm ruộng, hoặc không làm gì, nhưng hàng năm vẫn được hưởng cổ tức. Do đó, người đứng đầu HTX phải thực sự có năng lực, có trình độ quản lý để điều hành HTX làm ăn có lãi, nông dân sẽ không phải dùng đến thúng mủng, dao liềm để gặt lúa thủ công như trước, hết vụ không lĩnh gạo mà là lĩnh tiền.

Có như thế, chúng ta mới đưa được kỹ thuật vào nông nghiệp, mới có thể tập hợp vào HTX những người có trình độ, như kỹ sư trồng trọt, bảo vệ thực vật, thủy lợi…, tức là đưa cán bộ khoa học kỹ thuật về ngay trên đồng ruộng.

Bác Hồ từng nói, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải xây dựng con người chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, muốn xây dựng NTM thì cũng phải xây dựng con người nông thôn mới. Giáo sư liên hệ gì giữa 2 vấn đề này và theo ông, làm thế nào để xây dựng NTM thành công?

- Tôi cho rằng đây là một chủ trương rất đúng. Nông dân ta theo Đảng mấy chục năm nay, nộp thuế đúng quy định của Nhà nước, con cái họ cũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cung cấp lực lượng cho toàn xã hội, vậy mà bộ mặt nông thôn hiện nay thiếu thốn quá nhiều. Tôi ra thành phố, được hưởng mọi dịch vụ phúc lợi như đường sá, y tế…, nhưng ở nông thôn những dịch vụ này rất hạn chế. Do đó, xây dựng NTM chính là đáp ứng nguyện vọng của nông dân.

Vấn đề ở chỗ, xây dựng NTM nói riêng, hay xây dựng tam nông nói chung, phải có con người. Bác Hồ đã nói rất đúng, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên điều này ta chưa có. Về nhân lực, hiện nay nông thôn thiếu vô cùng một đội ngũ có trình độ.

Ví dụ như ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), hàng năm có đến cả nghìn em đỗ đại học, cao đẳng, nhưng học xong, họ đều ở lại các thành phố lớn làm việc. Chưa có bất cứ ai học đại học xong, nhất là đại học ngành nông nghiệp mà quay về làm việc ở các xã. Kể cả nếu quay về xã thì cũng chưa có chế độ đãi ngộ thích đáng cho các cử nhân, kỹ sư để họ yên tâm làm việc. Vì thế mà việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ở nông thôn vẫn rất khó khăn, hầu hết nông dân vẫn quanh quẩn với lối sản xuất manh mún, phương thức canh tác lạc hậu.

Thiết nghĩ, muốn có đội ngũ cán bộ cơ sở giỏi, cần đạt được các tiêu chuẩn: có trình độ khoa học kỹ thuật, có khả năng làm kinh tế giỏi vào loại nhất nhì xã; phải là người có trình độ văn hóa, am hiểu phong tục tập quán của dân để có ứng xử tốt nhất, làm thế nào để đừng a dua theo dân, cũng đừng hành dân.

Bây giờ cũng đã đến thời điểm sơ kết sau 5 năm thực hiện Nghị quyết tam nông, vì thế cần tổ chức các hội thảo, tọa đàm về đề tài này, và phải có những người chịu nói thật, chịu thẳng thắn phân tích, mổ xẻ cho nhau nghe về những điều đã làm được, chưa làm được, những điều không phù hợp… để kịp thời rút kinh nghiệm.

Xin cảm ơn giáo sư!

Ông Nguyễn Quốc Sơn – Chuyên gia nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về tam nông:

Sự động viên to lớn cho sản xuất

Là nhà duy vật mác –xít, Hồ Chí MInh hiểu hành động của con người luôn gắn liền với lợi ích và nhu cầu của họ. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là đi vào một trận tuyến mới. Do đó, theo Người phải biết kích thích những động lực mới, đó là lợi ích (vật chất và tinh thần) chân chính của người lao động. Vì vậy, dù công việc nước hết sức bề bộn nhưng Bác vẫn dành thời gian đi thăm và động viên tinh thần hăng say lao động sản của nhân dân nhiều địa phương, Người đã trực tiếp chỉ đạo và tham gia lao động sản xuất cùng nhân dân...

Sự động viên, chỉ đạo kịp thời của Bác đối với sản xuất có ý nghĩa hết sức to lớn. Nhờ có có sự chỉ đạo và động viên kịp thời của Bác mà nhân dân ta đã hăng hái thi đua sản xuất. Nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, nhiều tấm gương điển hình tiên tiến sản xuất và chăn nuôi giỏi như anh Hồ Giáo, nhiều cánh đồng kiểu mẫu, nhiều hợp tác xã kiểu mẫu như “Gió Đại Phong”... được ra đời. Những phong trào thi đua và thành tích đạt được trên mặt trận nông nghiệp là “hậu phương” vững chắc đã góp phần quan trọng vào sự thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Nguyên Khôi (ghi)