Dân Việt

Ở nơi đất vàng, tình "bạc" giữa Thủ đô

31/12/2010 12:01 GMT+7
(Dân Việt) - Về xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội, chúng tôi phải chứng kiến những "cuộc chiến" không khoan nhượng giữa vợ - chồng, bố - con, anh - em để tranh giành từng thước đất mà giờ đây đã hóa ra vàng.

Mẹ chết không được đưa tang

img
Vì mẫu ruộng này mà anh Diệp không được đưa tang mẹ đẻ

Dẫn chúng tôi đi ngoằn ngoèo theo con đường đất gập ghềnh để ra khu ruộng canh tác của gia đình đã được Ban quản trị Hợp tác xã (HTX) Tây Mỗ phân chia từ hàng chục năm nay, anh Nguyễn Ngọc Diệp ở thôn Phượng, xã Tây Mỗ bức xúc: "Trước đây, mẹ tôi đại diện những thành viên trong gia đình đứng ra nhận 1 mẫu (3.600m2) đất nông nghiệp để canh tác sinh sống.

Từ trước đến nay đại gia đình tôi vẫn sống yên ổn không có vấn đề gì xảy ra cho đến khi một dự án xây dựng bảo tàng được triển khai tại xã Tây Mỗ và lấy vào phần đất nông nghiệp của gia đình chúng tôi.

img
UBND xã đã nhận được đơn và đứng ra giải quyết hơn chục vụ tranh chấp đất đai giữa những người ruột thịt. Bố đứng lên nhận tiền trong sổ của gia đình, các con sợ bố về không chia cho cũng làm đơn đề nghị UBND xã can thiệp. Chồng đứng tên trong sổ đỏ, vợ sợ chồng ôm tiền đi chơi bời, cờ bạc, gái gú cũng lên UBND đòi tiền. Con gái lấy chồng xa về xui mẹ làm đơn kiện anh em ruột để đòi phần đất cho mình. Tôi rất buồn khi chứng kiến những chuyện như thế, khi đất đắt như vàng thì tình cảm con người cũng nhạt phai ghê gớm.
img

Ông Nguyễn Văn Giang

Thấy số tiền đền bù lên đến hàng tỷ đồng, hai người anh đầu của tôi, dù không có khẩu phần ruộng và đã được bố mẹ tôi cho hai khu đất rộng rãi để ra ở riêng, vẫn tìm mọi cách chiếm trọn số tiền đền bù này. Họ không cho tôi và người em trai út được vào ngôi nhà nơi mẹ tôi đang sống để thăm nom. Sau đó, họ ép mẹ tôi làm một bản di chúc để lại toàn bộ diện tích ruộng đó cho họ".

Nói đến đây anh Diệp rơm rớm nước mắt, anh bảo, thậm chí khi mẹ anh mất, anh và người em út cũng không được đến đưa tang, không được thắp cho mẹ nén hương. Anh không nghĩ chỉ vì tiền mà những người anh ruột thịt của mình lại có thể đối xử với các em như vậy.

Khi UBND xã Tây Mỗ tiến hành trao trả kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, hai người anh của anh lên nhận nhưng không được vì bản di chúc đó không hợp pháp. Hơn nữa mẹ anh cũng chỉ có quyền di chúc lại khẩu phần ruộng của bà chứ không thể quyết định toàn bộ diện tích ruộng trên. Đã nhiều lần UBND xã mời anh em Diệp ra hòa giải nhưng các anh của anh không nghe.

“Hiện tại, chúng tôi đã nộp đơn lên TAND huyện Từ Liêm và đang chờ vụ án được đưa ra xét xử" - anh Diệp cho biết.

Đi một vòng quanh làng quê yên ả này, chúng tôi giật mình khi thấy hoàn cảnh đau lòng của anh Diệp không phải là cá biệt. Có rất nhiều gia đình đang ấm êm, hạnh phúc cũng trở nên "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", đưa nhau ra tòa chỉ vì đất bỗng hóa vàng.

Vừa mở cửa mời chúng tôi vào nhà, chị Đặng Thị Lê ở thôn Phú Thứ nước mắt đã ngắn dài: "Tôi buồn lắm các anh ạ! Ngày trước nghèo thì gia đình còn yên ổn. Giờ đất được đền bù, chưa thấy tiền đâu gia đình đã thành tan nát".

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì chị Lê có hoàn cảnh khá éo le. Năm 1997, chồng chị bỏ 5 mẹ con chị đi ở với người đàn bà khác và sinh được một cậu con trai. Từ ngày ấy, bao nhiêu khó khăn, vất vả dồn lên đôi vai gầy của người đàn bà lam lũ này.

Suốt ngày làm việc quần quật ở ngoài đồng ruộng, cuối cùng chị Lê cũng nuôi các con lớn khôn và dựng vợ, gả chồng. Thế rồi khi dự án xây dựng bảo tàng nói trên về làng, hơn 3 sào ruộng của chị được định giá đền bù 1,2 tỷ đồng thì người chồng bạc bẽo bỗng dưng xuất hiện.

Với lý do mình vẫn là người đứng tên đại diện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của gia đình, chồng chị Lê tuyên bố toàn bộ số tiền được đền bù là của anh ta.

img
Chị Lê nước mắt ngắn dài khi nhắc đến người chồng bội bạc

Nói đến đây, chị Lê lại giàn giụa nước mắt: "Số tôi khổ lắm. Con gái lớn năm nay 25 tuổi, vừa mới lập gia đình chưa lâu thì chồng bị tai nạn mất. Giờ ruộng canh tác không còn, tôi dự tính sẽ dùng một phần tiền được đền bù giúp cháu có vốn làm ăn. Giờ chồng tôi mà lấy hết tiền thì mẹ con, bà cháu tôi chẳng biết sống làm sao.

Tôi đã làm đơn gửi ra UBND xã Tây Mỗ đề nghị Hội đồng giải phóng mặt bằng xem xét, giải quyết riêng cho từng người trong hộ gia đình tôi theo đúng tiêu chuẩn đất của mỗi người khi được HTX giao cho năm 1998. Nếu không được thì mẹ con tôi sẽ kiện ra tòa để đòi lại sự công bằng".

Gương vỡ khó lành

img
Ông Nguyễn Văn Giang

Ông Lưu Thế Ki - Trưởng thôn Tó (Tây Mỗ) tâm sự với chúng tôi với nỗi buồn hiển hiện trong đôi mắt: "Người dân xã tôi từ xưa đến nay đều làm nông nghiệp là chủ yếu. Ngày trước trong nhà có được tiền triệu đã khó, giờ bỗng dưng có bạc tỷ trong tay nên nhiều gia đình xảy ra tranh chấp giữa bố con, anh em, vợ chồng… khi chia tiền không thỏa đáng.

Ngay trong thôn tôi quản lý cũng có gia đình vì tranh chấp đất đai mà anh vợ bị em rể đâm một nhát thấu phổi, nhưng rồi gia đình tự hòa giải nên không phải ra tòa. Cách đây khoảng 4 năm, đất ở Tây Mỗ rao 200 triệu cho 50m cũng không ai mua. Giờ giá đất tăng khoảng 50 lần, đất mặt đường lên tới 70 triệu/m2.

Chính vì đất hóa vàng mà chuyện con gái đã đi lấy chồng về làm loạn, đòi bố mẹ chia đất, chia tiền là chuyện không lạ ở vùng quê này. Có trường hợp phân chia cho các con xong, bố mẹ giữ lại 4 sào để dưỡng già, cho con nào cấy cũng không dám nhận vì sợ phải nuôi bố mẹ. Thế nhưng khi dự án về, 4 sào thành 2 tỷ thì các con lại kéo về đòi chia. Bố mẹ không chia thế là thành bất hòa rồi bất hiếu".

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Giang - Chủ tịch UBND xã Tây Mỗ cho biết: "Hiện ở Tây Mỗ có 5 dự án đang được đầu tư và triển khai. Tính đến nay UBND xã Tây Mỗ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan chi trả số tiền đền bù cho người dân bị lấy đất lên đến 250 tỷ đồng. Nếu chi trả hết tiền đền bù của các dự án này thì con số phải lên tới trên 1.000 tỷ đồng.

Cũng vì nhiều người cả đời làm nông nghiệp chân lấm tay bùn bỗng dưng trở thành tỷ phú nên nhiều chuyện phức tạp đã nảy sinh. Ngoài việc tư vấn pháp luật từ trước cho người dân, khi các khiếu kiện xảy ra, chúng tôi cũng kiên trì tổ chức hòa giải cho các gia đình, dùng lý và tình để phân tích.

Thế nhưng ruột thịt mà đã đưa nhau ra chính quyền rồi thì khó hàn gắn tình cảm lắm, giống như tấm gương đã vỡ thì có gắn lành cũng không giấu được vết rạn. Người ta nói đúng là "đất vàng, tình bạc" không sai".