Thuận Hóa là một trong những thôn có số phụ nữ đi Lào nhiều nhất xã Lộc Bổn |
Ôm nợ
Đường dẫn vào thôn Vinh Sơn, xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, ngập ngụa trong bụi. Chúng tôi phải nín thở để đi qua đoạn đường bụi rồi rẽ vào một ngôi nhà xập xệ, oải mục. Hai đứa trẻ nheo nhóc chạy ra ngõ đón khách khi nghe tiếng xe máy tiến vào nhà. Đó là hai trong số ba đứa con của chị Bùi Thị Phương Nga, một trong những phụ nữ đã có thâm niên đi Lào ở xã Lộc Sơn.
Theo lời kể của bố mẹ chồng chị Nga, chị qua tỉnh Savanakhet của Lào đã 7-8 năm nhưng đến nay vẫn trắng tay và nợ đầm đìa. Mỗi lần chị về thăm con, các chủ nợ lại đến đòi tiền nhưng chị phải khất đi khất lại vì không kiếm đâu ra tiền để trả.
Cũng như hàng trăm phụ nữ trong thôn, chị Nga đi Lào khi ở quê ruộng đất ít ỏi, mùa màng thất bát do dịch bệnh “ghé thăm” thường xuyên. Nhưng ở nơi đất khách quê người, việc kiếm tiền cũng khó khăn chẳng kém gì ở quê.
Sự bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa cộng với việc không có tay nghề nên rốt cuộc chị phải nai lưng làm thuê với tiền công bèo bọt. Thu nhập ít ỏi, nên nhiều khi về quê chị phải ứng tiền của chủ để có tiền tàu xe, khi đi cũng phải vay mượn để có lộ phí nên “cục nợ” vì vậy cứ lớn dần lên.
Bà Trương Thị Minh Trang - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc Sơn, ái ngại khi nói về hoàn cảnh bi đát của gia đình chị Nga mỗi lần bà đến đòi nợ. Số là, chị Nga từng vay 3 triệu đồng ngân hàng thông qua tín chấp của Hội Phụ nữ xã để phát triển kinh tế nhưng rồi việc làm ăn phá sản.
Mỗi lần chị Nga về quê, bà Trang lại tìm đến nhà để đòi nhưng vì trắng tay nên “con nợ” cứ khất lần. Không còn cách nào khác, bà Trang phải ngậm ngùi ra về để rồi ăn ngủ không yên khi ngân hàng liên tục gửi “trát” về xã đòi tiền.
Cũng như chị Nga, xã Lộc Sơn có hơn 400 phụ nữ đi Lào thì phần nhiều đều rơi vào cảnh trắng tay do việc kiếm tiền không đơn giản. Họ là những lao động di cư không có vốn liếng, tay nghề, thiếu thông tin nơi cần lao động.
Họ phải làm những công việc nặng nhọc nhưng tiền công ít ỏi do bị ăn chặn, bóc lột nên may mắn lắm cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Chưa kể thời tiết khí hậu khác biệt với quê nhà khiến rất nhiều chị rơi vào cảnh ốm đau, bệnh tật liên miên nên tiền làm thuê không đủ mua thuốc chữa bệnh.
Một bà cụ bán nước bên đường quốc lộ ở xã Lộc Sơn chua chát khi nghe tin chúng tôi về xã tìm hiểu phong trào phụ nữ đi Lào ở địa phương. Bà cụ bảo rằng, phần nhiều phụ nữ đi Lào kiếm cơm không đủ chứ sung sướng nỗi chi mà đưa lên báo. “Nhiều chị em cả chục năm trời không dám vác mặt về quê vì không có tiền tàu xe hoặc do nợ ở quê quá nhiều”- bà cụ kể.
Sa ngã
Một phụ nữ có thâm niên đi Lào vừa “giải nghệ” ở thôn Thuận Hóa, xã Lộc Bổn, cho biết công việc nhẹ nhàng nhất của phụ nữ ở Thừa Thiên- Huế qua mưu sinh ở Lào là làm nghề sơn móng tay móng chân, cắt tóc nam nữ, nhưng thu nhập từ nghề này không đủ sống. Lào là nơi lao động nhập cư từ các nước đổ về nhiều nên kéo theo rất nhiều tệ nạn xã hội.
Cùng với tệ nạn ma túy, các quán cắt tóc gội đầu làm vỏ bọc cho hoạt động mại dâm mọc lên như nấm sau mưa. Làm việc tại những cơ sở này phần lớn là phụ nữ nhập cư, trong đó nhiều chị em là người Thừa Thiên-Huế.
Nhiều người dân xã Lộc Bổn vẫn truyền tai nhau chuyện một phụ nữ trẻ tên H thỉnh thoảng về quê để “rửa tiền”. Lúc đầu, người dân nào cũng bái phục trước việc phụ nữ này trở nên giàu có quá nhanh sau một thời gian ngắn đi Lào làm thuê. Mỗi lần về quê, chị này thường cho người thân rất nhiều tiền và ăn tiêu không khác nào một đại gia khiến dân làng choáng ngợp.
Một ngày nọ, một số phụ nữ lao động cùng khu vực với “nữ đại gia” trên ở tỉnh Salavan của Lào phát hiện phụ nữ này đã sa chân vào nghề bán dâm để nhanh chóng có tiền.
Chuyện lan về quê nhà khiến “bức màn bí mật” về sự giàu có của phụ nữ trên được vén mở. Gia đình của phụ nữ trên thì khăng khăng rằng thông tin về con gái họ chỉ là sự đồn thổi ác ý vì ghen ăn tức ở. Tuy nhiên, một thời gian sau, gia đình này cũng phải thừa nhận sự thật cay đắng về người thân của mình và phải sống trong cảnh bẽ bàng, tủi nhục trước sự soi mói của người đời.
Những ngày rong ruổi ở xã Lộc Bổn cũng như những địa phương có số lượng phụ nữ đi mưu sinh lớn ở Thừa Thiên- Huế, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện buồn về sự trượt ngã của những phụ nữ di cư sang Lào. Nhiều người bảo rằng, giữa hoàn cảnh cùng cực nơi đất khách quê người, để tồn tại nhiều người đã chọn cách đánh đổi phẩm giá để lấy áo cơm cho bản thân họ và cho cả người thân nơi quê nhà nên họ đáng thương hơn là đáng trách.
(Còn nữa)
An Sơn