Dân Việt

Cấm đưa đất từ nước ngoài vào Việt Nam

Kiều Minh 30/10/2013 06:53 GMT+7
Lo lắng trước hành vi “đưa đất có sinh vật gây hại từ nước ngoài vào Việt Nam”, dự thảo luật đã chỉnh sửa theo hướng quy định cấm đưa đất vào Việt Nam...
Ngày 29.10, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật.

“Nhập” đất phải được Bộ NNPTNT đồng ý

Tại bản dự thảo lần thứ 6, về các hành vi bị cấm, ban soạn thảo dự luật đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không có trong danh mục, thuốc trong danh mục bị cấm sử dụng, thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc; các hành vi sử dụng thuốc BVTV sai quy định gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và môi trường...

Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) phát biểu thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) phát biểu thảo luận.

Về ý kiến đề nghị cần quy định cấm đưa đất vào Việt Nam; làm rõ hành vi “đưa đất có sinh vật gây hại từ vùng này đến vùng khác trong nước” có bị cấm hay không, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu quy định cấm tuyệt đối việc đưa đất vào Việt Nam thì đồng nghĩa với cấm nhập khẩu thực vật mang theo đất, ảnh hưởng đến việc nhập khẩu thực vật sống dùng để nghiên cứu khoa học, làm giống, kinh doanh cây cảnh...

Pháp luật nhiều nước như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc... đều quy định cấm nhập khẩu đất, trừ một số trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Do vậy, tiếp thu ý kiến trên, dự thảo luật đã chỉnh sửa theo hướng quy định cấm đưa đất vào Việt Nam, trừ trường hợp được chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ NNPTNT.

Còn đối với hành vi đưa đất từ vùng này sang vùng khác ở trong nước thì luật không cấm, nhưng khi vận chuyển phải tuân thủ quy định về kiểm dịch nội địa và áp dụng các biện pháp xử lý vật thể kiểm dịch thực vật.

Đề xuất quy định về ký hủy

Thảo luận về dự thảo luật này, liên quan đến việc thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất cần có quy định về việc ký hủy bảo vệ môi trường đối với một số loại bao gói thuốc BVTV có nguy cơ cao sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường.

Cụ thể, như thuốc diệt cỏ, một bao thuốc trước khi xuất bán ra thị trường thì nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu sẽ ký hủy bảo vệ môi trường với Nhà nước, ví dụ 50.000 đồng/gói. Nếu giá 1 gói trước đây là 1 triệu đồng thì bây giờ họ sẽ bán cho người bán buôn 1.050.000 đồng, rồi người bán buôn bán cho người sử dụng là 1.150.000, trên bao sẽ ghi giá trị ký hủy là 50.000 đồng.

Người tiêu dùng sau khi sử dụng xong thì trả lại bao cho người bán buôn và lấy lại 50.000 đồng/bao; người bán buôn trả lại bao cho nhà sản xuất và nhận lại 50.000 đồng/bao. Nhà sản xuất thông báo với Nhà nước là đã thu hồi lại vỏ bao thì sẽ được Nhà nước trả lại 50.000 đồng tiền ký hủy.

Theo đại biểu Phạm Thị Phương, một số quốc gia vẫn đang sử dụng thuốc Paraquat nhưng quy trình quản lý rất chặt chẽ, chỉ được bán cho những người có thẻ đã qua các lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng để tránh được những cái chết thương tâm.

Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) cho rằng, nên bổ sung thêm quy định yêu cầu các nhà sản xuất kinh doanh thuốc, kể cả các nhà sản xuất sang chai, đóng gói đại lý cấp 1 phải có trách nhiệm trích một khoản lợi nhuận nhất định cho việc xây các bể thu gom xử lý vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng để tăng thêm trách nhiệm của họ trong hoạt động thu gom xử lý thuốc BVTV sau khi sử dụng.

Riêng đại biểu Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) thì đưa ra một cảnh báo hết sức lo ngại về việc sử dụng thuốc BVTV độc hại không đúng mục đích, đồng thời đề xuất Bộ Y tế nên đứng ra cảnh báo những tác động xấu của các loại thuốc BVTV lên sức khỏe con người. Đại biểu Phương cho biết: Việc sử dụng thuốc BVTV không đúng cách có liên quan đến sự gia tăng các bệnh ung thư và ngành y tế đã và đang đối mặt với các vụ ngộ độc, các vụ tự tử bằng thuốc BVTV, đặc biệt là loại thuốc diệt cỏ Paraquat cực độc.