Dân Việt

Củng cố niềm tin để làm ăn lớn

Mạnh Thắng 22/09/2013 06:00 GMT+7
Sáng qua (20.9), tại huyện Kiến Thụy, Báo Nông Thôn Ngày Nay phối hợp UBND huyện Kiến Thụy, Công ty TNHH MTV DAP Đình Vũ (Hải Phòng) tổ chức buổi trò chuyện, trao đổi, tư vấn kinh nghiệm làm ăn giữa chuyên gia Nguyễn Lân Hùng với 400 bà con nông dân.
Mọi trăn trở được cởi bỏ

Tại buổi giao lưu, bà con nông dân rất hào hứng, sôi nổi với phần hỏi đáp trực tiếp cùng chuyên gia Nguyễn Lân Hùng về trăn trở trong sản xuất của gia đình mình. Chị Nguyễn Thị Dậu (xã Tú Sơn) cho biết, hiện tại nông trại nhà chị nuôi trên 10.000 con gà đẻ, bây giờ chị lại nghe chuyên gia nói nuôi vịt trời cho hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, chị nghe nói vịt trời cũng có dịch bệnh. Như vậy, nếu nuôi kết hợp nuôi vịt trời cùng gà có sợ nó lây bệnh sang gà không?

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho biết, vịt trời là loài có kháng bệnh rất cao, tuy nhiên nó cũng là gia cầm nên dễ có bệnh. Do đó, dù nuôi xen với các loại gia cầm khác hay chỉ nuôi riêng vịt trời thì bà con nông dân cũng phải chú ý đến công tác phòng bệnh.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho biết thêm, để việc phòng bệnh có hiệu quả thì bà con nông dân phải tiêm phòng theo đúng chỉ định, hoặc có chuyên gia hướng dẫn, tuyệt đối không được thấy vịt trời khỏe là không tiêm. Đối với vịt trời sinh sản, sau 20 ngày mới được cho tiếp xúc với nước…

Anh Nguyễn Xuân Cường ở xã Thuận Thiên trăn trở là sau khi nuôi lợn có hiệu quả cao, gia đình anh muốn nuôi xen kẽ giun, nhưng chưa biết làm thế nào. Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng tư vấn: Nên nuôi giun đỏ vì có hàm lượng đạm khá cao (68%). Đối với giun đỏ, thức ăn tốt nhất là phân trâu, bò, thỏ… Phân lợn làm thức ăn cho giun không tốt vì phân mặn, do đó cần trộn thêm bèo khi cho giun ăn. Khi trộn phân lợn với bèo nên có thời gian ủ...

Anh Cường hỏi thêm, thời gian ủ là bao lâu thì tốt? Chuyên gia trả lời: Tốt nhất là ủ 5 ngày trước khi đưa giun giống vào nuôi, nếu không thì có thể ủ ngắn hơn. Riêng đối với phân bò, trâu như nói ở trên thì không cần ủ.

Là địa phương giáp biển, có bãi cát rộng trên 1.200ha phù hợp với nuôi ngao, chủ trương của Phòng Nông nghiệp huyện Kiến Thụy là phát huy lợi thế này. Anh Nguyễn Văn Quyết - cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Kiến Thụy cho biết, hiện trên địa bàn huyện mới nuôi 200ha. Hiện tại muốn nuôi hết diện tích trên nhưng chưa biết nên làm thế nào để có hiệu quả cao cho người dân, không ảnh hưởng đến môi trường...

Về trăn trở này, chuyên gia Hùng cho biết, thức ăn của ngao là từ nguồn sinh vật tự nhiên. Nuôi quan trọng phải có môi trường sạch. Người nuôi ngao phải vệ sinh sạch sẽ khi đưa ngao giống xuống bãi. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn phải tìm hiểu tư vấn cho người dân về nước triều thế nào cho phù hợp. Việc này có thể tìm hiểu, học tập cách nuôi của người dân một số địa phương tỉnh Thái Bình.

Chuyên gia Hùng cho biết thêm, một yếu tố không thiếu quan trọng nữa trong nuôi ngao là giống ngao vì nó là yếu tố quan trọng nhất để quyết định hiệu quả kinh tế. “Do đó chúng ta phải lựa chọn cho mình giống ngao tốt” – chuyên gia Hùng nói.

Thêm niềm tin đầu tư vào nông trại

Ngoài trả lời trăn trở của bà con nông dân, tại buổi tư vấn, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho rằng Hải Phòng là thành phố công nghiệp, kinh tế phát triển, đời sống của người dân ở mức khá. Cùng với đó, Hải Phòng là thành phố có các khu du lịch nổi tiếng Đồ Sơn, Cát Bà nên một số thực phẩm có thể tiêu thụ mạnh và cho hiệu quả kinh cao, để nuôi, trồng phải kể đến con đà điểu, cầy hương, lợn rừng, trồng quả bơ, làm nấm…

"Buổi trò chuyện giúp chúng tôi tự tin hơn khi đưa một số giống mới vào nuôi trồng, đặc biệt chúng tôi yên tâm hơn trong việc phòng bệnh cho các giống nuôi trồng”.
Chủ trang trại Nguyễn Thị Dậu

Buổi giao lưu, trò chuyện được lãnh đạo UBND huyện Kiến Thụy đánh giá rất cao và mong sẽ có thêm nhiều buổi giao lưu tương tự giữa chuyên gia Nguyễn Lân Hùng với bà con nông dân trên địa bàn. Hiện tại, ở các địa phương, bà con nông dân thiếu rất nhiều thông tin về việc lựa chọn các giống cây cho phù hợp, cách phòng trị bệnh cho vật nuôi.

Sau khi nghe tư vấn của chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, các chủ trang trại, gia trại đều cởi bỏ được trăn trở: “Buổi trò chuyện giúp chúng tôi tự tin hơn khi đưa một số giống mới vào nuôi trồng, đặc biệt chúng tôi yên tâm hơn trong việc phòng bệnh cho các giống nuôi trồng mà mình lựa chọn và một số giống vật nuôi, cây trồng mới” – chị Nguyễn Thị Dậu - chủ trang trại xã Tú Sơn nói.