Dây tơ hồng là giống ăn bám. Đã ăn bám lại tham lam. Chúng sinh sôi nhanh như giòi, bám dai như đỉa, chỉ vài tháng trùm hết tán cây lớn xõa sang bụi cây nhỏ.
Bị ăn hơi hút chất lại thiếu nắng, cây chết hàng loạt. Cây mà chết thì tơ hồng mới lụi. Chúng tham lam đến mức không bao giờ biết dừng lại. Làm sao phá được bụi tơ hồng?
Thế mà có cách đấy, chỉ cần đập chết một con rắn nước quăng lên trên nóc bụi , thì chẳng cần phải phá phải dứt, đám dây nhợ dày như bún rối dần dần tự thối rữa đến sợi cuối cùng trong một vài tháng.
Không biết cơ sở khoa học là gì, nhưng người trong dân gian bảo đó là kị giơ.
Con vắt xanh trong rừng ai giết nổi nó, băm nát nó thì nó hồi sinh ra cả đàn. Nhưng thả đàn dê vào đó cho vắt hút máu thì chưa đầy 3 tháng rừng sạch vắt. Vắt hút máu dê không tiêu được, đông cứng lại thế là con vắt tự thối rữa. Chúng chết vì kị giơ.
Con đỉa dưới nước băm nát đốt thành than nó vẫn tái sinh được, Nhưng ném đỉa vào vôi thì nó rữa nát thành phân. Đỉa kị với vôi. Thành ngữ “giãy như đỉa phải vôi” là từ câu chuyện này.
Con dê xơi vài lá ngón không chết, nhưng dê ăn nhầm lá có con bọ nẹt thì chết đứ đừ không phương cứu chữa, cũng là kị giơ!
Giặc Phạm Nhan chém đầu nọ nó mọc đầu kia không sao giết được nó. Nhưng bôi máu chó lên long đao chém thì Phạm Nhan hồn lìa khỏi xác.
Có thể còn nhiều ví dụ nữa trên trời dưới đất về sự kị giơ trong quy luật vũ trụ mà người ta chưa tìm ra hết. Mà biết hết cũng không thể kể ra hết được.
Tham nhũng là hiện tượng xã hội, nhưng ác như giặc Phạm Nhan, rối như búi tơ hồng lại dai như đỉa, nhiều như vắt, muốn diệt nó chắc chắn phải có cách. Chỉ có điều người ta biết mà có dám làm hay không thôi.