Dân Việt

“Làng Nhô” đi đầu xây dựng nông thôn mới

Nam Tùng Sơn 27/07/2013 07:47 GMT+7
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, “làng Nhô” (thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa) của huyện Kim Bảng (Hà Nam) đã phát triển về kinh tế - xã hội. Người dân nơi đây cũng thay đổi về tư duy khi sẵn sàng đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới...
Chuyện “làng Nhô” đã nổi tiếng khắp cả nước những năm 90 của thế kỷ 20. Thời điểm đó, lợi dụng việc thôn bị cắt đất khi thực hiện chế độ khoán mới trong nông nghiệp, một số kẻ xấu đã kích động nhiều cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, mắc sai phạm trong quản lý kinh tế ở làng đâm đơn kiện đòi đất lên các cấp chính quyền và ra tận Trung ương. Những kẻ xấu sau đó đã bị xử lý nhưng tiếng xấu “làng Nhô” là “vết nhơ” của xã nhà.
Hầu hết đường làng ngõ xóm ở thôn Lác Nhuế và xã Đồng Hóa (Kim Bảng, Hà Nam) đã được bê tông sạch đẹp.
Hầu hết đường làng ngõ xóm ở xã Đồng Hóa (Kim Bảng, Hà Nam) đã được bê tông sạch đẹp.

“Làng Nhô” đổi mới

Về thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, từ đầu làng đến cuối thôn đều được bê tông phẳng lỳ, nhà tầng xanh đỏ mọc lên san sát. Thôn Lạc Nhuế có 5.500 khẩu, trong đó có gần 600 hộ mở cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm… đang tạo việc làm cho từ 10 – 30 lao động/cơ sở, với thu nhập từ 2–4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, bình quân thu nhập của tỉnh chỉ 19 triệu đồng/người/năm, trong khi đó xã Đồng Hóa đã đạt 21 triệu đồng/người/năm và thôn Lạc Nhuế đạt 23 triệu đồng/người/năm.

Ông Trịnh Văn Thụ - Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa cho biết, trong 2 năm xã đã đầu tư hơn 55 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó Nhà nước hỗ trợ 16,5 tỷ đồng, ngân sách xã 32,6 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 5 tỷ đồng. “Hiện 100% không còn nhà dột nát, 100% đường trục xóm, kênh mương thủy lợi đã được kiên cố hóa. Cả xã có 14 đội thu gom rác, vì vậy làng xóm luôn sạch sẽ. Hiện cả 5/5 thôn đều được công nhận làng văn hóa và đều xây dựng được những hương ước làng, với nhiều điều ước phù hợp trong việc xây dựng NTM”.

“Thôn Lạc Nhuế và xã Đồng Hóa là nơi đi đầu trong việc dồn điền đổi thửa ở Hà Nam. Hiện hầu hết các hộ chỉ có 1 – 2 thửa, so với trước kia mỗi hộ có đến 8 – 9 thửa, có thửa rộng gần 1ha, nhờ đó mà năng suất lúa, hoa màu liên tục tăng, như vụ chiêm xuân vừa qua lúa đạt hơn 66 tạ/ha”- ông Mạnh nói.

Chủ động chuyển đổi

Ông Mạnh cho hay, quan điểm của huyện là xây dựng NTM toàn diện, tuy nhiên vẫn có sự ưu tiên đối với các xã điểm. Trong 5 xã điểm, Thi Sơn hiện có số tiêu chí đạt cao nhất 16/19 tiêu chí. Do đó, huyện sẽ tập trung đầu tư để Thi Sơn về đích vào cuối năm 2013, các xã còn lại sẽ về đích vào năm 2015. Để “tăng tốc” cho các xã điểm, ngoài tăng cường hỗ trợ về vật chất, 200 tấn xi măng cho các xã làm đường giao thông và hỗ trợ 100 triệu đồng/km giao thông nội đồng, huyện còn tích cực trong việc dồn điền đổi thửa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và các ngành nghề.

Cụ thể sẽ chuyển một số diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, hoặc trồng các cây hoa màu khác như dưa chuột, bí đao, hoa… Trong chăn nuôi, huyện đã triển khai các mô hình đệm lót sinh học, mô hình đã giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, huyện cũng đang tích cực đẩy mạnh việc phát triển làng nghề, đưa các nghề mới về làng, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân...